Trong vòng 1 năm qua, những thời điểm hy vọng đã được thắp lên le lói nhưng các đợt dịch bùng phát lại lập tức nhấn chìm mọi hy vọng. Cả hệ thống dịch vụ du lịch hầu như tê liệt, khách sạn hạ giá hết cỡ vẫn vắng khách; các cơ sở dịch vụ, hậu cần thua lỗ trầm trọng; một số lượng lớn nhân sự - bao gồm cả nhân sự cấp trung, cao và lành nghề đã phải tạm chuyển nghề vì bức bách của cơm áo gạo tiền...
Khôi phục du lịch nội địa đã khó, mở cửa cho khách quốc tế còn khó hơn. Năm ngoái, có thời điểm Việt Nam "thử" mở cửa đón một số lượng khách quốc tế khá hạn chế nhưng rồi ý định đó lập tức phá sản, vì du khách đến Việt Nam không chỉ phải chịu cách ly trong thời gian dài mà còn có nguy cơ mang dịch bệnh "nhập khẩu" vào trong nước.
Giờ mọi chuyện đã trở nên sáng sủa hơn khi vắc xin ngừa Covid-19 đã được sử dụng khá rộng rãi ở nhiều nước. Việt Nam cũng bắt đầu khởi động chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 từ ngày 8/3 và dự báo thời gian tới, số người được tiêm sẽ đông đảo hơn. Miễn dịch cộng đồng đang là khái niệm được nhiều nước nói tới và có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần. Đó chính là điều kiện "cần và đủ" để nghĩ tới các kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch, bao gồm cả du lịch quốc tế.
Thái Lan là một trong những nước đầu tiên tính toán đến việc tái khởi động thị trường du lịch quốc tế dựa vào "hộ chiếu vắc xin" - tức sẽ giải quyết nhập cảnh cho những du khách được chứng nhận đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo đó, những du khách này sau khi nhập cảnh sẽ lập tức được thực hiện các hoạt động du lịch mà không cần phải cách ly. Trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang tiếp tục "đóng cửa" ngành du lịch vì lo ngại dịch bệnh bùng phát thì thái độ cởi mở của Thái Lan hẳn sẽ mang lại cho họ nhiều lợi thế - trong đó phải kể đến lợi thế về kinh tế khi nguồn thu từ du lịch quốc tế được phục hồi.
Tất nhiên, chính phủ Thái Lan vẫn cần có thời gian để xây dựng những nội dung và biện pháp triển khai cụ thể và kế hoạch này chưa thể thực thi ngay lập tức. Tương tự, Thụy Điển cũng nghiên cứu sáng kiến "hộ chiếu vắc xin". Được biết nước này đang phát triển chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 kỹ thuật số để sử dụng trong các chuyến du lịch quốc tế, với mục tiêu đưa hệ thống này đi vào hoạt động từ ngày 1/6.
Chứng nhận tiêm chủng có thể truy cập được thông qua nhận dạng kỹ thuật số và có thể được lưu trên điện thoại thông minh hoặc trong ví điện tử. Nó cũng có thể được gửi bằng thư thông thường dưới dạng tài liệu giấy hoặc nhãn dán NFC được gắn vào hộ chiếu của chủ sở hữu. Một khóa mã hóa sẽ được đính kèm nhằm cho phép xác minh tính xác thực của chứng nhận tiêm chủng tại các cơ quan kiểm soát biên giới.
Giới chuyên gia du lịch dự đoán trong tương lai, các công ty lữ hành và các quốc gia sẽ yêu cầu những bằng chứng có giá trị quốc tế về việc tiêm ngừa, trong đó có đề cập tới loại vắc xin được sử dụng để đề phòng nguy cơ sử dụng vắc xin kém chất lượng.
Ở Việt Nam, một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số người dân mong muốn mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế trên cơ sở chấp nhận "hộ chiếu vắc xin". Để thực hiện được việc này, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu các biện pháp, chính sách cụ thể để triển khai từng bước, nhằm vừa không bỏ lỡ cơ hội phục hồi ngành dịch vụ du lịch, vừa đảm bảo phòng chống dịch an toàn.