Thông tư 21/2017/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGDĐT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và thực hiện Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Theo đó, nêu rõ khái niệm: Người nhận tiền là người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình để nhận gói trợ giúp xã hội hợp nhất, bao gồm:
Người đại diện cho hộ gia đình đăng ký nhận tiền;
Người được người đại diện cho hộ gia đình đăng ký nhận tiền ủy quyền;
Người có tên trong danh sách nhận thay cho hộ gia đình được UBND xã xác nhận, trừ cán bộ, nhân viên của cơ quan chi trả.
Liên quan đến tiền thù lao cho cộng tác viên thôn, bản, Thông tư 21 quy định:
Cộng tác viên thôn, bản phải là người trực tiếp đến nhận tiền thù lao và không được ủy quyền cho người khác nhận thay;
Trong 3 tháng liên tục, cộng tác viên thôn, bản không đến nhận tiền thì khoản thù lao này bị cắt không chi trả cho cộng tác viên thôn, bản.
Theo đó, Thông tư 21 quy định Hồ sơ đăng ký của đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ, ngoài đơn đăng ký tham gia dự án (Phụ lục kèm theo), còn phải có các giấy tờ theo từng đối tượng như sau:
Đối với phụ nữ mang thai: Giấy khám thai hoặc Phiếu siêu âm (trong đó ghi rõ họ và tên, năm sinh, địa chỉ của người mang thai, tuổi thai nhi, thời điểm dự kiến sinh) có xác nhận của cơ sở y tế.
Đối với trẻ em từ 0 tuổi đến dưới 3 tuổi: Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ em hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã (đối với các xã đặc biệt khó khăn) về ngày tháng năm sinh của trẻ em vào đơn đăng ký tham gia Dự án.
Đối với trẻ em từ 3 tuổi đến 15 tuổi: Bản sao giấy khai sinh của trẻ em hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã (đối với các xã đặc biệt khó khăn) về ngày tháng năm sinh của trẻ em và xác nhận về việc trẻ em hiện không đi học của Ủy ban Nhân dân xã vào Đơn đăng ký tham gia Dự án.
Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” là dự án do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nhằm mục đích giảm nghèo bền vững. Dự án hỗ trợ việc hợp nhất thông tin và quy trình nhằm đơn giản hóa các thủ tục trong hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam. Dự án hợp nhất cơ sở dữ liệu hiện hành thành một cơ sở dữ liệu quốc gia về các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội để đặt nền móng cho việc hợp nhất các chương trình và tăng tính hiệu quả của chi tiêu công trong lĩnh vực giảm nghèo và trợ giúp xã hội. Bốn đối tượng hưởng lợi của dự án bao gồm: Hộ nghèo; Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Hộ dân tộc thiểu số ở vùng chưa có điện lưới; Hộ dân tộc thiểu số có con là học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Gói hỗ trợ dành cho hộ gia đình của dự án có 2 phần: Hỗ trợ hiện hành và hỗ trợ bổ sung. Các khoản hỗ trợ hiện hành gồm: tiền điện, với số tiền tương đương 30kWh/hộ/tháng; chi phí học tập cho trẻ em 70.000 đồng/em/tháng (9 tháng/năm); tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu/tháng và tiền ở bằng 10% mức lương tối thiểu/tháng tính trong 9 tháng/năm cho học sinh dân tộc thiểu số hoặc dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, đang học trung học phổ thông ở xã, thôn. Các khoản hỗ trợ bổ sung gồm: Hỗ trợ phụ nữ mang thai 70.000đ/người/tháng (tối đa 9 tháng); hỗ trợ trẻ từ 0 đến dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo: 70.000đ/em/tháng. Hỗ trợ trẻ từ 3 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo không đi học: 70.000đ/em/tháng (9 tháng/năm). Gói trợ cấp xã hội dành cho các hộ gia đình được hợp nhất chi trả tại Bưu điện văn hóa xã hoặc tại nhà các đối tượng đặc biệt khó khăn. |