Trụ sở Sở Y tế Thanh Hóa.
Sau khi “hạ cánh”, ông Bình đã lộ ra hàng loạt sai phạm và khối tài sản “khổng lồ”. Việc này khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi lớn, về khối tài sản của ông Bình do đâu mà có.
Tuyển dụng hàng nghìn lao động mà Chủ tịch tỉnh không biết
Được biết, sự việc bị vỡ lở khi một số cán bộ được tuyển dụng bị chậm nhận lương, phụ cấp hoặc không có việc làm, đã bức xúc gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm minh đối với vị giám đốc “hạ cánh” vào đầu năm 2016.
Từ năm 2009 đến 2015, ông Bình đã tự ý “qua mặt” Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 697/QĐ-SYT ngày 26/11/2009 về tuyển dụng viên chức, HĐLĐ tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế và HĐLĐ y tế xã, phường thị trấn.
Tiếp đó ngày 3/1/2011, ông Bình tiếp tục ban hành Quyết định 987/QĐ-SYT sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 697. Đến ngày 27/10/2010, ông Bình ban hành Công văn số 1559/SYT-TCCB về chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ, trong đó có nội dung bắt buộc yêu cầu về bằng cấp đối với việc bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó các khoa, phòng.
Theo thông tư số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Y tế; Quyết định 3766/QĐ-UBND ngày 26/11/2008 của UBND tỉnh Thanh Hóa về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND ngày 2/3/2007 và Quyết định số 1138/QĐ-UB ngày 16/4/2002 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì những quyết định, văn bản trên do ông Bình ban hành là sai trái và không đúng thẩm quyền.
Ông Hoàng Sỹ Bình.
Việc “lợi dụng” vào các văn bản đã ban hành, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và ông Bình đã nhiều lần đồng ý để thuộc cấp của mình tuyển dụng nhiều lần, với số lượng lớn lao động hợp đồng không xác định thời hạn và có thời hạn mà không báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và chưa được tỉnh cho phép đã vi phạm nghiêm trọng Điều 3, Điều 50, Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/11/2003 của Chính phủ về sử dụng, tuyển dụng và quản lý cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp và Điều 8 và 9 Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ quản lý cán bộ, công chức.
Lợi dụng vào những “tấm bùa hộ mệnh” đã phê duyệt của Giám đốc Sở Y tế, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011 đến 2015, toàn ngành Y tế Thanh Hóa đã được Giám đốc Sở này đồng ý tuyển dụng 3.721 người (hợp đồng không xác định thời hạn 1.291 người, hợp đồng xác định thời hạn 1.640 người). Tất cả các lao động được tuyển dụng này không được Sở y tế trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Cụ thể, tại 4 Trung tâm y tế (TTYT) tuyến tỉnh, ông Bình đã phê duyệt tuyển 60 lao động hợp đồng gồm 1 bác sỹ, 59 vị trí khác; thực hiện tuyển dụng 67 người gồm 1 bác sỹ, 63 vị trí khác. Tại 10 TTYT tuyến huyện, ông Bình đã phê duyệt tuyển 70 LĐHĐ gồm 4 bác sỹ và 66 vị trí khác. Còn lại các lao động được tuyển dụng ở 15/15 bệnh viện đều không báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Dưới thời ông Bình làm Giám đốc, các đơn vị trực thuộc còn thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận viên chức (theo biên chế tỉnh giao hằng năm) là 2.751 người. Theo tìm hiểu, thì quy trình tuyển dụng không thực hiện công khai danh sách những người dự tuyển, thực tế số lượng viên chức tuyển dụng hằng năm được xét từ lực lượng LĐHD trước đó tại các đơn vị đã tuyển dụng.
Tất cả các đơn vị khi tổ chức xét tuyển đều không có đại diện phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế tham gia giám sát, kiểm tra. Ngoài việc tuyển dụng 3.721 người không được phép của Chủ tịch UBND tỉnh, dưới thời ông Bình còn bổ nhiệm, luân chuyển trái quy định nhiều lãnh đạo cấp phòng không nằm trong quy hoạch, không làm quy trình bổ nhiệm, gây bức xúc cho đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà.
Hồ sơ có chữ ký nháy của ông Bình.
Cụ thể, Phòng Nghiệp vụ y năm 2011 - 2013 thừa 2 phó phòng; năm 2014 thừa 3 phó phòng; năm 2015 thừa 2 phó phòng. Phòng Kế hoạch - Tài chính năm 2015 thừa 1 phó phòng. Phòng Tổ chức cán bộ năm 2015 thừa 1 phó phòng. Đối chiếu với Quyết định số 3766/QĐ-UBND ngày 26/11/2008 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì văn phòng, các phòng chuyên môn của Sở Y tế chỉ được có 1 trưởng phòng và không quá 2 phó phòng.
Ngoài ra, Sở Y tế còn bổ nhiệm 4 trường hợp là viên chức các đơn vị sự nghiệp về văn phòng sở giữ các chức danh lãnh đạo phòng chuyên môn, không làm quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm không trong quy hoạch như các bà: Bùi Thị Thư, Lê Thị Nga, Nguyễn Thị Loan và ông Nguyễn Tiến Định. Bổ nhiệm, thuyên chuyển 6 công chức, viên chức là các ông, bà: Trần Huy Quang, Lê Văn Khiết, La Xuân Long, Lê Đình Tiệp, Lê Hồng Sơn, Lương Mỹ Linh sau ngày 27/7/2015, khi đã có Văn bản số 7369/UBND-THKH của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, HĐLĐ và bổ nhiệm các chức danh phó trưởng phòng.
Bệnh viện chưa thành lập cũng nhận cả trăm hồ sơ chạy việc
Dù Bệnh viện Ung Bứu tỉnh Thanh Hóa chưa được thành lập, nhưng dưới thời ông Bình thì bệnh viện này đã thu rất nhiều hồ sơ bác sỹ, y tá thông qua ông Hoàng Trung Thông, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, những bộ hồ sơ này đều có chữ ký của ông Hoàng Sỹ Bình, nguyên Giám đốc Sở Y tế ký ngoài bìa hồ sơ hoặc giới thiệu bằng điện thoại để thuộc cấp của mình “tập hợp” lại hồ sơ chuẩn bị cho việc tuyển vào Bệnh viện Ung Bướu.
Hiện tại, một số bác sỹ còn được cho “học việc” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chờ cơ hội khi Bệnh viện Ung Bứu thành lập sẽ vào làm việc? Tuy nhiên, do Bệnh viện chậm được thành lập như dự kiến, nhiều người đã phải “quyết liệt” đòi lại hồ sơ và những gì đã đưa cho “đường dây” này để con em minh tìm cơ hội ở những nơi khác.
Trao đổi với PV Vntinnhanh, ông Tô Hoài Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (người trước đây trong đề án thành lập được cơ cấu nguồn làm Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Thanh Hóa. Do bệnh viện chậm thành lập, nay ông Phương không còn đủ 5 năm, nên không còn trong cơ cấu nữa) cho biết, về việc thu hồ sơ chuẩn bị nhân lực cho Bệnh viện Ung Bướu, có hai tình huống:
Một căn biệt thự đang xây thuộc quyền sở hữu của ông Bình.
"Tình huống 1: những hồ sơ có bút phê của anh Bình, Giám đốc Sở Y tế lúc bây giờ chuyển xuống, nội dung ghi “chuyển anh Phương chuẩn bị hồ sơ tiếp nhận nguồn nhân lực cho Bệnh viện Ung Bướu. Anh Bình còn thống nhất giao cho anh Hoàng Trung Thông, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thu hồ sơ hộ, ghi danh sách. Một số bác sỹ chúng tôi cho học việc “không lương” tại Bệnh viện, còn các đối tượng là điều dưỡng không cần phải học việc. Vì tôi lúc này danh chưa chính, ngôn chưa thuận nên tất cả hồ sơ đều chuyển về chỗ anh Thông để tập hợp".
"Tình huống 2: một số trường hợp anh Bình nói mồm, điện thoại giới thiệu xuống gặp tôi, tôi chỉ ghi chuyển hồ sơ cho anh Thông lưu hồ sơ. Những trường hợp này tôi không trực tiếp gặp, tiếp nhận, các anh cứ gặp các đối tượng để hỏi. Không biết bây giờ anh Thông đã trả hồ sơ cho họ chưa, tôi không biết. Chứ tôi khẳng định các hồ sơ anh Bình bút phê xuống cho tôi là có, anh Thông cất ở đâu đấy. Tôi chỉ biết thế thôi. Còn thông tin về việc đã thu tới 300 hồ sơ, thì tôi không rõ cho lắm. Vậy là đã rõ, dù một Bệnh viện mới được thành lập trên giấy nhưng dưới thời ông Bình là Giám đốc Sở Y tế, ông đã tự ý cho thu hồ sơ để tuyển nhân sự cho Bệnh viện này với những chữ ký nháy chuyển cho cấp dưới phải nhận".
Đến khối tài sản kếch xù
Dù chỉ làm Giám đốc Sở y tế một khóa, từ 2019 đến hết 2015, đầu 2016 ông Bình về hưu và chuyển giao công tác cho người kế nhiệm, nhưng theo tìm hiểu không biết lấy ở đâu ra mà ông Bình có một khối tài sản lớn đến vậy, cụ thể: Tại Khu Đô thị Bình Minh, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, ông Hoàng Sỹ Bình, sau khi thôi giữ chức Giám đốc Sở y tế ít ngày thì đã tiến hành động thổ xây dựng một biệt thự khủng tại vị trí đắc đắc địa có tới 3 mặt tiền.
Ngôi biệt thự này cao 4 tầng, bề thế, tọa lạc trên diện tích 410m2, thuộc lô R1, khu 2, Khu Đô thị Bình Minh. Hiện biệt thự này đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Theo tính toán, riêng tiền đất của ngôi biệt thự cũng ngót ngét 10 tỷ đồng, tiền xây dựng và trang trí nội thất cũng phải cần đến hàng chục tỷ đồng nữa.
Ông Bình sở hữu nhiều lô đất "vàng" tại Thanh Hóa.
Chủ nhân của ngôi biệt thư đang xây này không ai khác chính là ông Hoàng Vân (SN 1985), con trai ông Hoàng Sỹ Bình và bà Trần Thị Phương, vì con trai ông Bình mới ra trường đi làm thì không thể có nhiều tiền để làm biệt thự ở khu đất vàng này được, một nguồn tin cho biết.
Ngoài ngôi biệt thự này của gia đình ông Bình đang xây dựng tại Khu Đô thị Bình Minh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Hiện Vợ chồng ông Bình đang sở hữu, đứng tên, nắm giữ một khối tài sản bất động sản khổng lồ gồm: Lô đất 03/09-MB 65, phường Trường Thi, diện tích 70m2, cấp GCNQSDĐ ngày 17/01/2003; 3 lô đất tại Khu Đô thị Bình Minh gồm lô đất liền kề 456, diện tích 120m2, khu 2, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa; lô 455, diện tích 120m2, khu 2, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Cả 2 lô đất này được cấp GCNQSDĐ ngày 27/8/2015; 1 lô đất biệt thự thuộc lô F5, khu 2, Khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, diện tích 318,25m2, cấp GCNQSDĐ ngày 25/1/2016. Ngoài ra, tại ô 12, Khu Đô thị Đông Bắc Ga, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa vợ chồng ông Bình cũng đứng tên lô đất 243,88m2, cấp GCNQSĐ ngày 2/6/2007.
Như vậy, khối tài sản đứng tên vợ chồng ông Hoàng Sỹ Bình là 5 lô đất, có diện tích lên đến hàng 1.000m2, chưa nói đến những tài sản đứng tên con cái trong gia đình và tài sản di động hiện có. Hầu hết địa điểm của những lô đất này đều có giá trị rất lớn.
Sau khi sự việc bị vỡ lỡ các cơ quan báo chí đã vào cuộc thông tin nhưng cho đến nay, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có ý kiến gì về vụ việc này. Theo dư luận cho rằng việc tuyển dụng 3.721 nhân sự vào ngành y tế, nếu chỉ có một mình ông Bình thì chắc chắn sẽ không làm được vì những sai phạm này tồn tại trong một thời gian dài như vậy đó phải là trách nhiệm của cả một hệ thống cần có sự vào cuộc để xử lý nghiêm minh của các đơn vị chức năng.