Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hồ sơ làm căn cứ tính thời gian công tác trước năm 1995

Ông Trần Hữu Nhã (TP. Hồ Chí Minh) làm việc tại Sở Thủy Lợi Sông Bé từ tháng 10/1979 đến tháng 2/1991. Tháng 3/1991, ông chuyển về Công ty Khảo sát Thiết kế Điện II. Ngày 10/3/1993, ông làm đơn xin nghỉ việc không hưởng lương.

 

Ngày 18/8/1998, ông Nhã nhận quyết định cho thôi việc, thời gian tính từ ngày 1/4/1993, chưa được hưởng trợ cấp. Ông Nhã hỏi, ông có được hưởng chế độ BHXH trong khoảng thời gian từ tháng 10/1979 đến ngày 1/4/1993 được không?

Về vấn đề này, BHXH TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau:

Việc tính thời gian công tác để hưởng BHXH đối với người lao động làm việc thuộc khu vực Nhà nước, nghỉ chờ việc trước ngày 1/1/1995, chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc BHXH một lần được quy định tại Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội, theo đó hồ sơ làm căn cứ tính thời gian công tác gồm:

- Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như: Quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương…

- Danh sách của đơn vị có tên người lao động đến ngày 31/12/1994 hoặc các giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách của đơn vị đến ngày 31/12/1994.

- Quyết định nghỉ chờ việc. Trường hợp không có quyết định nghỉ chờ việc thì phải có xác nhận bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị cấp sổ BHXH, trong đó bảo đảm người lao động có tên trong danh sách của đơn vị tại thời điểm có quyết định nghỉ chờ việc và chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc BHXH một lần.

Đề nghị ông cung cấp toàn bộ hồ sơ nêu trên cho cơ quan BHXH tỉnh, thành phố nơi cư trú xem xét, trả lời.