Ảnh minh họa
Theo dự thảo, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Dự án có doanh thu tối thiểu 500 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt và 1 tỷ đồng/ha/năm đối với nuôi trồng thủy hải sản; quy mô từ 3 ha trở lên; tiêu chí Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ cơ sở hạ tầng gồm: giao thông, điện, nước, xử lý môi trường trong hàng rào dự án; mức hỗ trợ 500 triệu đồng/ha nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án.
Doanh nghiệp có dự án sản xuất rau, hoa, quả an toàn được hỗ trợ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vật tư trang thiết bị; mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà lưới, nhà kính, nhà màng.
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông điện, nước và xử lý môi trường. Dự án đầu tư trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ 60% chi phí đầu tư nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường
Dự thảo cũng đề xuất doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần và thời gian đào tạo được hỗ trợ kinh phí không quá 6 tháng; hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; 50% kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước; được giảm 50% phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ cơ quan xúc tiến thương mại của Nhà nước.
Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quản lý một trang thông tin điện tử quốc gia để giao dịch nông sản.
Điều kiện hỗ trợ là: Doanh nghiệp có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử và có tài sản đảm bảo tối thiểu 10 tỷ đồng; trang thông tin điện tử được xây dựng ít nhất bằng 04 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nga); và cam kết duy trì hoạt động tối thiểu 10 năm. Thông tin sản phẩm của các doanh nghiệp được duy trì ít nhất 3 năm; nhà nước bắt đầu hỗ trợ khi có tối thiểu 500 doanh nghiệp đưa sản phẩm lên trang thông tin điện tử.
Mức hỗ trợ với mỗi doanh nghiệp có sản phẩm đưa lên trang thông tin điện tử quốc gia, Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp có trang thông tin điện tử quốc gia là 5 triệu đồng/doanh nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.