Quang cảnh Hội thảo “Hàn gắn cộng đồng qua cách hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn” được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11/2018
Khi mới tìm đến Hagar, Lợi (21 tuổi) đã phải trải qua nhiều loại sang chấn, xuất phát từ việc bị xâm hại tình dục và kỳ thị tại chính ngôi làng của mình. Bị đổ lỗi vì bị xâm hại và cô lập, Lợi cảm thấy không thể bước ra khỏi nhà hoặc nói chuyện với bất cứ ai. Gia đình của kẻ xâm hại sống ngay bên kia đường và mỗi lần họ đi ngang qua nhà em, họ cáo buộc Lợi và gia đình đã gài bẫy hại con trai họ. Lợi không còn niềm tin vào ai, cũng không có bất kỳ nơi nào để trông cậy. Phần lớn thời gian em tự nhốt mình trong phòng. Em không muốn gia đình bị áp lực hay chịu ảnh hưởng tử những khó khăn em gặp phải.
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH)
Khi trở thành thân chủ của Hagar, Lợi đã rời khỏi môi trường gây sang chấn cho mình. Quản lý ca và cán bộ tâm lý làm việc cùng Lợi để xây dựng và thực hiện kế hoạch chăm sóc cá nhân cho em.
Thời gian đầu, Lợi không thể nói về việc mình từng bị xâm hại tình dục. Hagar đã tạo môi trường an toàn cho em tự quyết định tốc độ và hành trình hồi phục của chính mình. Khi cảm thấy an toàn, em học được cách nhìn nhận khác về những trải nghiệm của mình trong quá khứ. Dần dần, Lợi trở nên cởi mở hơn và dễ dàng chia sẻ cảm xúc của mình hơn. Em tìm thấy tiếng nói của mình. Lợi bắt đầu đi làm và với sự hỗ trợ của Hagar em bắt đầu học đại học.
Trong một lần tham gia Hội thảo quốc tế để chia sẻ về Trao quyền cho trẻ em gái ở cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua những kinh nghiệm và góc nhìn của em (tổ chức tại Đài Loan), Lợi chia sẻ: “Tôi đã vượt qua tất cả sự kì thị và mặc cảm của một nạn nhân để trở thành con người tôi ngày nay. Tôi đang làm việc, tôi học đại học. Tôi đang xây dựng cuộc sống và tương lai của mình”.
Ở quê Lợi, mọi người quan niệm con gái chỉ cần học xong trung học, kết hôn và sinh con, họ nên chấp nhận điều mà người khác mang đến cho mình, thế mới là người con gái ngoan. “Nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ ở quê em, những gì họ trải qua, em muốn thoát khỏi những định kiến như vậy. Hagar đã giúp em làm được điều này. Vì thế, em hi vọng bạn gái nào cũng có thể theo đuổi ước mơ của riêng mình”, Lợi tin rằng cuộc sống đó không dành cho mình. Em tin rằng mọi cô gái xứng đáng biết rằng họ có thể làm những điều lớn lao hơn những gì người khác áp đặt, họ có thể trở thành bất cứ ai họ muốn.
Bà Micaela Cronin, Tổng giám đốc điều hành, tổ chức Hagar Quốc tế cho biết, Hagar hiện đang triển khai dự án “Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn” – một phương pháp cung cấp dịch vụ hỗ trợ tập trung vào điểm mạnh của cá nhân; thúc đẩy việc đảm bảo an toàn về thể chất, tâm lý cho người trải qua sang chấn và người trợ giúp, qua đó tạo cơ hội để cá nhân tái thiết lại khả năng tự kiểm soát, tự tin và tự chủ. Theo đó, những nạn nhân của hành vi mua bán người, xâm hại, bạo lực trên cơ sở giới, khi được hàn gắn, chu kỳ sang chấn sẽ chấm dứt. Hagar sẽ hỗ trợ và phục hồi cho những người chịu ảnh hưởng của sang chấn cũng như các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ họ.
Chia sẻ tại hội thảo “Hàn gắn cộng đồng qua cách hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn” được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11/2018, bà Tô Thị Hạnh, Trưởng nhóm Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, Hagar Quốc tế tại Việt Nam cho biết: sang chấn tâm lý là hệ quả của việc trải qua tình huống, sự kiện gây căng thẳng hay mang tính đe dọa đến cuộc sống, khiến cá nhân trải nghiệm sự quá tải về cảm xúc và thể chất và để lại những tác động lâu dài lên các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội, tinh thần hay tâm linh.
Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, hành vi tự tử của những người đã bị sang chấn sẽ tăng gấp 15 lần người bình thường. Việt Nam đã có 2 nghiên cứu về trải nghiệm thời thơ ấu và tìm ra liên kết: những sinh viên trong trường Y ở Việt Nam có các vấn đề về thể chất, tinh thần thì có nhiều trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu hơn các sinh viên khác như bị nhiếc móc, mắng mỏ, chửi bới...
Sang chấn là phổ biến, nhưng hiện nay những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, bạo lực trên cơ sở giới và xâm hại tình dục phải chịu những chấn thương vô cùng nghiêm trọng. Theo bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) khoảng trống trong các chương trình can thiệp của ta là hiện nay mới chỉ đang tập trung chủ yếu vào bạo lực gia đình mà cụ thể là bạo lực thể chất trong khi bạo lực kinh tế, xâm hại tình dục vẫn đang bị bỏ trống; chưa có mô hình chuẩn dịch vụ nạn nhân bạo lực giới; ví dụ như chính sách pháp luật đã đề cập đến vấn nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc nhưng vẫn chưa có những chuẩn mực xét xử, phạt tiền khi gây bạo lực gia đình nhưng đôi khi chồng phạm lỗi mà vợ lại phải mang tiền nộp phạt giúp...
Từ 2009 đến cuối 2017, Hagar đã hỗ trợ người trải qua sang chấn từ 30 tỉnh thành tại Việt Nam. Năm 2018, Hagar tập trung vào Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An và Yên Bái, nhưng vẫn xem xét việc hỗ trợ với các tỉnh khác. Hiện Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã tác động được đến 7.500 người bị sang chấn và có 479 người hưởng lợi.
Thảo Vân/GĐTE