Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hỗ trợ kịp thời và đúng cách khi trẻ trở lại trường học

Tính đến tháng 2/2022, hầu hết các tỉnh đã cho học sinh trở lại trường sau một khoảng thời gian dài học trực tuyến. Trẻ em đến trường, ngoài việc phòng chống dịch Covid-19 cũng cần phải chú ý đến sức khỏe tinh thần và phòng chống tai nạn học đường.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh minh họa

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh minh họa

Quan tâm sức khỏe tinh thần của trẻ

Sau nhiều tháng học trực tuyến ở nhà để phòng dịch Covid-19, học sinh trên cả nước háo hức trở lại trường. Tuy nhiên, cũng có không ít em tỏ ra hụt hẫng sau thời gian quá dài học trực tuyến. Khi đi học trở lại, cuộc sống và sinh hoạt của trẻ có nhiều thay đổi, có khi bị đảo lộn. Tùy độ tuổi, tâm lý của trẻ sẽ có sự biến động khi chuyển từ môi trường này sang môi trường khác.

Với một số học sinh cấp mầm non, tiểu học, trẻ đã quen với việc học ở nhà có bố mẹ chăm sóc, bao bọc, kèm cặp, nên khi đến trường học trực tiếp, trẻ phải làm quen với môi trường mới. Trẻ không còn là “trung tâm” của mọi hoạt động như ở nhà, bởi một cô giáo sẽ phải cùng chăm sóc cho nhiều bạn.

Khi thay đổi môi trường học tập, trẻ em ở độ tuổi tiểu học có thể rơi vào trạng thái như: dễ sợ hãi, hung hăng, đeo bám, gặp ác mộng, trốn học, kém tập trung, và rút lui khỏi các hoạt động tập thể và ít giao tiếp với bạn bè. Còn với trẻ vị thành niên, các em có thể bị rối loạn ăn và ngủ, kích động hoặc buồn bã, gia tăng xung đột, phàn nàn về thể chất, từ chối đi học, kém tập trung trong việc học tập…

Ðể giúp trẻ ổn định tâm lý, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường trong bối cảnh dịch bệnh. Trò chuyện với trẻ về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt; Cùng con sắp xếp sách vở, góc học tập và bàn những kế hoạch học tập, sinh hoạt sẽ diễn ra như thế nào.

Cha mẹ, thầy cô giáo cung cấp cho trẻ thông tin đầy đủ, chính xác và dễ hiểu nhất về dịch bệnh, tránh cho trẻ tâm lý hoang mang, lo lắng khi đến trường học trực tiếp. Nói với trẻ về những nguy cơ sức khỏe khi nhiễm Covid-19, nhưng cha mẹ cũng không nên trầm trọng hóa vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng, mất tập trung cho việc học.

Theo TS. BS Ðỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ hãy quan tâm đến con trẻ nhiều hơn để có những phương pháp hỗ trợ cho trẻ kịp thời và đúng cách nhất. Luôn khuyến khích con học tập, trở thành bạn thân thiết của con để chia sẻ những vướng mắc, khó khăn. Hãy học cùng con, chơi cùng con và giúp con quay lại trường lớp sau dịch bệnh một cách thoải mái, an toàn và khỏe mạnh nhất. Khi thấy con có biểu hiệu bất thường về tâm lý mà cha mẹ không thể giải quyết được thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập của con sau này.

Cha mẹ cần hỗ trợ và chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi quay lại trường. Ảnh minh họa KT

Cha mẹ cần hỗ trợ và chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi quay lại trường. Ảnh minh họa KT

Phòng tránh tai nạn thương tích ở trường

Ði học trực tiếp, trẻ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn thương tích ở trường học như: ngã, rơi từ tầng cao, điện giật, đuối nước, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm... Những vụ tai nạn này có thể phòng tránh được nếu nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ và tự bản thân các em học sinh có ý thức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng tránh.

Ðề phòng ngã: Các trường học cần kiểm tra, củng cố, tu sửa lại cơ sở vật chất. Sân trường phải bằng phẳng và không trơn trượt. Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn và lan can bảo vệ. Bàn ghế hỏng, không chắc chắn cần phải sửa chữa hoặc thay thế ngay. Dụng cụ luyện tập thể dục thể thao phải chắc chắn, an toàn. Cần có bồn rào xung quanh gốc cây xanh ngăn học sinh leo trèo gây ngã...

Phòng ngừa tai nạn giao thông: Sau một thời gian dài không đi lại xe đạp, đi bộ… cha mẹ cũng cần tập luyện, hướng dẫn lại cho trẻ. Các trường học phải có cổng trường và hệ thống hàng rào bảo vệ. Giờ ra chơi phải đóng cổng trường, không cho học sinh chạy ra đường. Phải có các biển báo trường học đặt ở ngoài đường để cảnh báo các phương tiện cơ giới thận trọng khi đi qua khu vực gần trường học. Khuyến cáo phụ huynh và giáo viên không đi xe máy, ô tô trong sân trường. Tổ chức tập huấn ngoại khóa, hướng dẫn cho học sinh hiểu biết và thực hiện Luật An toàn giao thông, nhận biết các loại biển báo giao thông.

Phòng ngừa cây, trụ cổng, tủ và kệ đổ: Cây xanh trong khuôn viên trường học phải được cắt tỉa thường xuyên và có trụ đỡ. Cần loại bỏ những cây bị sầu, mục ruỗng, già cỗi. Hệ thống trụ cổng, cổng trường và tường rào cần thường xuyên được kiểm tra độ an toàn. Các loại tủ, kệ trong lớp học phải được cố định chắc chắn; thay thế, sửa chữa ngay nếu phát hiện bất thường.

Phòng ngừa bỏng và nhiễm độc: Phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng phải có bảng nội quy hướng dẫn sử dụng, bảo đảm an toàn hóa chất, an toàn điện... Bảng điện phải lắp đặt ở vị trí cao. Không cho học sinh đến khu vực nhà bếp. Ðể thuốc và các hóa chất cọ rửa ngoài tầm với của trẻ.

Phòng ngừa đuối nước: Nếu trường học gần ao, hồ, sông, suối, vực nước, hố nước sâu phải có hàng rào ngăn cách. Những nơi học sinh phải đi học bằng ghe, thuyền thì cần có người lớn đưa đón và trẻ em phải mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. Giếng nước, bể nước, hố nước trong trường phải có nắp đậy an toàn. Không được để thùng, chậu chứa nước trong phòng học, phòng vệ sinh (nhất là ở các trường mầm non). Trang bị cho học sinh kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Phòng ngừa điện giật: Hệ thống điện trong lớp học phải được thiết kế và lắp đặt an toàn, không được để dây điện trần hoặc dây điện bị hở. Bảng điện phải để ở vị trí cao, ổ điện nếu để thấp cần che kín. Dụng cụ điện ở phòng thí nghiệm phải kiểm tra, bảo đảm an toàn trước khi cho học sinh thực hành.

Phòng ngừa ngộ độc: Nước uống của học sinh phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Thời điểm dịch bệnh, khuyến khích mỗi học sinh có bình nước riêng. Khuyến cáo học sinh không được ăn, uống các loại thực phẩm lề đường, vỉa hè, hàng rong. Nếu trường có tổ chức bán trú thì bếp ăn phải bảo đảm an toàn vệ sinh, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Ngoài ra, các trường học phải có nhân viên y tế và có tủ thuốc cấp cứu cần thiết để sơ cứu ban đầu những trường hợp học sinh bị tai nạn thương tích trước khi chuyển đến cơ sở y tế.