Ưu tiên thanh niên là người dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo
Bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc dành 800 chỉ tiêu ngành nông nghiệp trong kỳ thi tiếng Hàn chương trình EPS năm 2017 cho NLĐ cư trú dài hạn tại 64 Huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo không thuộc các huyện bị tạm dừng năm 2017. Tại công văn số 1282/LĐTBXH-QLLĐNN, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai việc hỗ trợ NLĐ tham gia học tiếng Hàn và các chính sách theo qui định, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để NLĐ đáp ứng điều kiện, có nhu cầu được tham gia. Cũng theo văn bản này, Cục Quản lý lao động ngoài nước được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình hỗ trợ một cách hiệu quả, tránh lãng phí.
NLĐ được hỗ trợ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 -2020” và số 1722/QĐ-TTg về “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020” đều phải hoàn thành tối thiểu chương trình giáo dục tiểu học, đã đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn ngành nông nghiệp và có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn trước khi tham gia kỳ thi; Không mắc các bệnh theo danh mục phía Hàn Quốc yêu cầu như: viêm gan B, HIV, giang mai... Ưu tiên đối tượng lao động là thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Hình ảnh Kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 năm 2016
Về giáo trình dạy tiếng Hàn cơ bản cho NLĐ dự thi EPS-TOPIK do HRD Korea biên soạn bồm: Giáo trình 60 bài, bộ đề thi 2.000 câu, các bài luyện nghe, đọc online được đăng tải trên trang web của HRD Korea. Chương trình đào tạo tiếng Hàn gồm 2 phần: Đào tạo tiếng Hàn cơ bản (60 bài theo giáo trình do HRD Korea biên soạn tương đương 520 giờ) và ôn luyện đề thi (142 giờ). Căn cứ thực tế tại địa phương và tham khảo chương trình đào tạo tiếng Hàn dự kiến do Bộ LĐ-TB&XH (Cục QLLĐNN) xây dựng, cơ quan được giao nhiệm vụ của địa phương phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của NLĐ, khả năng hỗ trợ của địa phương, thời lượng ôn luyện đề thi của lao động để đạt kết quả tốt kỳ thi tiếng Hàn.
Hỗ trợ tối đa lên tới 4.500.000 đồng
Về mức hỗ trợ chi phí đào tạo, lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ tối đa 4.500.000 đồng/ khóa đào tạo tiếng Hàn cho một lao động. Các lao động thuộc đối tượng khác sẽ có mức hỗ trợ tối đa 2.250.000 đồng/ khóa đào tạo tiếng Hàn cho một lao động. Riêng với hỗ trợ chi phí xét nghiệm một số bệnh được hỗ trợ tối đa 140.000 đồng/1 lao động theo thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Công văn cũng nêu rõ, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, trong đó Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ chi phí đào tạo tiếng Hàn cơ bản (520 giờ) từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020. Ngân sách địa phương và nguồn huy động, UBND tỉnh các địa phương thuộc địa bàn triển khai chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có) đảm bảo chi phí đào tạo ôn luyện đề thi (142 giờ).
Đối với những địa phương tự tổ chức đào tạo, trước ngày 20/4/2017, cơ quan được giao nhiệm vụ của địa phương tổng hợp gửi Bộ LĐ-TB&XH số lượng lao động, danh sách đăng ký và cơ sở đào tạo dược lựa chọn tại địa phương để được hướng dẫn. Cơ sở đào tạo được lựa chọn phải có tư cách pháp nhân, đăng ký hoạt động đào tạo đảm bảo các điều kiện như: Mỗi lớp học không quá 30 lao động, trang thiết bị trong phòng học như thiết bị chiếu sáng, thiết bị giảng dạy, máy tính để hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản, luyện đọc online được đăng tải tải trên trang web của HRD Korea... Nhà ăn, ký túc xá, nhà vệ sinh. Bên cạnh đó phải có đủ giáo viên có trình độ tiếng Hàn. Ưu tiên lựa chọn cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong việc quản lý, đào tạo tiếng Hàn đối với lao động huyện nghèo. Đối với những địa phương không tự tổ chức đào tạo, trước ngày 17/4/2017, cơ quan được giao nhiệm vụ của địa phương tổng hợp, gửi Bộ LĐ-TB&XH số lượng lao động, danh sách đăng ký, địa điểm đào tạo sẽ tổ chức tại Hà Nội và được thông báo sau khi chốt danh sách.
Để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, trường hợp đối tượng đăng ký tham gia đào tạo quá lớn so với nhu cầu tuyển dụng của phía Hàn Quốc, đối với các địa phương có số lượng lao động tham gia lớn, Bộ LĐ-TB&XH (Cục QLLĐNN) sẽ căn cứ quy mô dân số trong độ tuổi lao động, số lượng huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đối tượng ưu tiên để xác định số lượng lao động được hỗ trợ đào tạo của từng địa phương.
Thời gian tiếp nhận đăng ký đào tạo từ 10 -15/4/2017. NLĐ có đơn đề nghị hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết có xác nhận của chính quyền địa phương theo mẫu số 03 ban hành kèm Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BLDTBXH-BTC ngày 9/9/2009 của Bộ LĐ-TB&XH- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg. |