Một trong những điểm mới rất quan trọng điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật Việc làm (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ là đề xuất tất cả người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi ký hợp đồng lao động.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; bổ sung người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư quỹ trước các "cú sốc" như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, người lao động, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ trong trường hợp gặp các "cú sốc" nêu trên. Cùng với đó, người lao động được hưởng trợ cấp và tìm kiếm việc làm khi mất việc.
Về mức thu quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng luật chỉ quy định mức trần và giao Chính phủ quy định mức đóng từng giai đoạn. Bởi thực tế có thời điểm quỹ kết dư lớn, nếu muốn giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% phải xin ý kiến Quốc hội.
Theo đó, mức đóng vào quỹ sẽ được quy định như sau: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ.
Với nhóm chính sách về hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, đây sẽ là công cụ quản trị thị trường lao động, luật sẽ bổ sung, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp…
Theo ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, mở cửa và hội nhập với thế giới. Vì thế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành không còn đáp ứng được yêu cầu, quy mô của nền kinh tế, đòi hỏi cần phải thiết kế lại đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là để quản trị hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
“Qua đánh giá của chúng tôi, địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh, thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp càng lớn. Thất nghiệp cũng là một trong những rủi ro của quá trình công nghiệp hóa và quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp ổn định, phát triển thị trường lao động, là công cụ của Nhà nước để quản trị thị trường lao động. Việc cải cách, đổi mới chính sách Bảo hiểm thất nghiệp chính là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản trị thị trường lao động thích ứng với thông lệ thế giới và đòi hỏi của thực tiễn hiện nay”, ông Vũ Trọng Bình chia sẻ
Bên cạnh việc tham mưu sửa đổi và hoàn thiện thể chế về bảo hiểm thất nghiệp, ông Vũ Trọng Bình cho biết, năm 2022, Cục Việc làm cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt, xử lý vướng mắc, báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp các tỉnh, thành phố. Tổ chức, phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tỉnh, thành phố; tham gia đoàn Công tác đôn đốc tình hình triển khai các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với doanh nghiệp và người lao động tại một số tỉnh; Hoàn thiện tài liệu “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp” và tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của các địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.