Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hỗ trợ những hộ nghèo, duy trì sự ổn định lâu dài

 
Mô hình "Dân vận khéo" trong xóa đói, giảm nghèo
 
Với phương châm hướng về cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhân dân, trong những năm qua, Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã triển khai nhân rộng mô hình "Dân vận khéo" xóa đói, giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
 
Tìm hiểu thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tương đối cao và các hộ cận nghèo vẫn phải đối mặt với nguy cơ tái nghèo. Nguyên nhân của tình trạng đói nghèo chủ yếu là do hộ gia đình không có sức lao động, ốm đau bệnh tật. Đối với những hộ này, để thoát nghèo thực sự rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ có sức lao động nhưng không có khả năng tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nên vẫn chịu cảnh đói nghèo. Vì vậy, mấu chốt của vấn đề là làm sao lựa chọn được những hộ thực sự có khả năng thoát nghèo và có nguyện vọng thoát nghèo để hỗ trợ. Mặt khác, với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, hộ nghèo hiện nay được hưởng rất nhiều sự hỗ trợ để có thể phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả mang lại chưa như mong muốn một phần là sự đầu tư dàn trải từ các nguồn vốn của nhiều chương trình khác nhau cho nhiều đối tượng nên khó tạo nguồn lực tổng thể giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Vì vậy, mục đích của mô hình là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ những hộ nghèo có địa chỉ, có kế hoạch đầu tư cụ thể để thực sự thoát được nghèo và duy trì sự ổn định lâu dài.
 
Sau khi triển khai làm điểm tại 3 xã Khoan Dụ, Đồng Tâm và Lạc Long, hiện nay, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại nhiều xã. Thực tế, với rất nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo, nhiều hộ có tâm lý “sợ thoát nghèo”. Chính vì vậy, với cách làm chặt chẽ, có sự điều tra, rà soát từ cơ sở, bình xét và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, mô hình "Dân vận khéo" huyện Lạc Thủy góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng thời huy động được mọi nguồn lực giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 


Hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.
 
Khơi dậy nguồn lực từ nhân dân
 
Phát huy vai trò chủ thể là người dân, “Lấy sức dân để lo cho dân”, 10 năm qua, nông thôn Lạc Thủy đã khoác lên mình một tấm áo mới, đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của vùng đất và con người nơi đây.
 
Là huyện miền núi thấp của tỉnh Hòa Bình, Lạc Thủy có 13 xã và 2 thị trấn. Bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Lạc Thủy có xuất phát điểm thấp, Trong số 13 xã thực hiện chương trình chỉ có 5 xã đạt trên 5 tiêu chí, 8 xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân chỉ đạt 5,85 tiêu chí/1 xã. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện, đảng bộ, chính quyền và ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Lạc Thủy đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sự đóng góp của con em xa quê, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội coi việc xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Lạc Thủy đã có những kết quả đáng phấn khởi trên lộ trình thực hiện xây dựng NTM với 8 xã đã đạt chuẩn; 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Năm 2018, các tiêu chí xây dựng NTM được cải thiện và nâng lên, bình quân mỗi xã đạt 17,46 tiêu chí tăng 11,61 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 13,3 triệu đồng năm 2011 phấn đấu lên trên 44 triệu đồng năm 2019. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự đổi mới và phát triển của nông thôn Lạc Thủy.
 
Theo đó, sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô cánh đồng mẫu lớn, nổi bật như vùng sản xuất cây ăn quả có múi với diện tích trên 1.200 ha; Chuyển dịch nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại; Khơi dậy nguồn lực từ nhân dân để phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội đồng, liên xã, liên xóm. Đến nay, 100 % tuyến đường trục thôn, xóm ở huyện Lạc Thủy đã được cứng hóa; Cải tạo nâng cấp cơ bản các cầu, cống dân sinh: trên 60 % các công trình thủy lợi đạt yêu cầu; 122 km kênh mương được cứng hóa; 100 % số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học; 100% số thôn có nhà văn hóa đảm bảo theo quy định. nhân dân đã tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng, ngày công lao động, tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất cùng tài sản trên đất để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi công cộng. Hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển sản xuất, sinh hoạt, thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương phát triển.
 

Đầu tư cho mô hình trong sản xuất.

 Một trong những yếu tố quan trọng để Lạc Thủy tự tin hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020 chính là sự đồng thuận của người dân. Nhận thức của cán bộ, người dân về xây dựng NTM là rất tích cực, từ đó đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM. 

 
Trong xây dựng NTM, huyện Lạc Thủy chủ trương ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng NTM trên cơ sở rà soát xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí một cách bền vững, không để tình trạng nợ đọng sau khi đạt chuẩn.
                                                                                                                
 Phát huy vai trò chủ thể là người dân, “Lấy sức dân để lo cho dân”, 10 năm qua, nông thôn Lạc Thủy đã khoác lên mình một tấm áo mới, đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của vùng đất và con người nơi đây.
 

Sơn Thanh/GĐTE