Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hỗ trợ sinh viên khuyết tật tiếp cận giáo dục đại học

Theo kết quả khảo sát gần đây nhất thì đa phần người khuyết tật (NKT) Việt Nam có trình độ học vấn thấp, chưa đến 0,1% có trình độ đại học. Không chỉ vì nghèo khó, nên ít NKT theo đuổi việc học, cái chính là vì môi trường giáo dục còn quá nhiều rào cản với NKT.

 

Bà Lưu Thị Ánh Loan, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cho biết: “DRD nhận thấy hầu hết sinh viên khuyết tật (SVKT) vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia học tập tại các trường ĐH,CĐ như: cơ sở hạ tầng không thuận tiện, thủ tục xin miễn giảm học phí, miễn giảm môn học phức tạp, thiếu các phương tiện, công cụ để tìm các tài liệu bằng chữ nổi hoặc âm thanh…”.

 

Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết chưa đến 0,1% NKT có trình độ đại học
Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết chưa đến 0,1% NKT có trình độ đại học.

Em Trần Phú, sinh viên khiếm thị trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHồ Chí Minh bày tỏ: “Việc thay đổi cách học và giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ đã gây không ít khó khăn đối với những bạn khiếm thị như em trong việc tìm kiếm tư liệu và học ngoại ngữ. Việc dạy bằng cách trình chiếu slide khiến em chỉ có thể cố gắng nghe được câu nào hay câu đó chứ không thể theo kịp tiến độ học trên lớp”.

 

SVKT lo lắng về việc không thể theo kịp chương trình học vì phương pháp giảng dạy mới
Sinh viên lo lắng về việc không thể theo kịp chương trình học vì phương pháp giảng dạy mới.

Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết thêm: “Nhiều trường ĐH,CĐ tại Việt Nam hiện giờ vẫn chưa có dịch vụ dành riêng hỗ trợ SVKT, khiến cho sinh viên gặp nhiều khó khăn, rất nhiều trường hợp phải bỏ nửa chừng dù khả năng học tập rất tốt! Chỉ đơn giản như việc bố trí phòng học, phòng thi cho SVKT vận động trên lầu cao mà không có thang máy thì đã chặn biết bao nhiêu SVKT ngoài cánh cửa đại học”.

Xuất phát từ những nhu cầu thiết thực đó, DRD đã hợp tác cùng Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn và Đại học Sư phạm TPHồ Chí Minh triển khai dự án “Tiếp cận giáo dục dành cho SVKT” với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland. Dự án này đã chính thức ra mắt vào chiều 31/3, sẽ hỗ trợ cho 60 SVKT của 2 trường trong quá trình học tập tại đây.

 

Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác của các đơn vị thực hiện dự án hỗ trợ SVKT học tập
Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác của các đơn vị thực hiện dự án hỗ trợ SVKT học tập.

Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết: “Trung tâm sẽ tạo cơ hội cho các sinh viên tiếp cận giáo dục, tích cực hỗ trợ những dịch vụ cá nhân khác để có thể dễ dàng trong việc đi lại. Dự án sẽ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, tạo môi trường thân thiện để các SVKT hòa nhập với cộng đồng”.

Cũng tại buổi lễ ra mắt dự án, nhiều SVKT lo lắng về nơi thực tập, về việc làm sau khi ra trường… Về vấn đề này, bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết dự án chỉ hỗ trợ cho SVKT trong quá trình học tập, nhưng nếu có nhu cầu việc làm sau khi ra trường, SVKT vẫn có thể liên hệ với bộ phận việc làm của DRD để nhờ giới thiệu, hỗ trợ.

Ông Bàng Anh Tuấn (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và phát triển dự án quốc tế, ĐH KHXH&NV, cũng có lời khuyên: “Các bạn sinh viên nên hiểu rõ mình cần gì và đề ra những cách giải quyết mục tiêu cho bản thân, mình thích và có thể làm già để lựa chọn công việc sau này. Nhà trường sẽ là người định hướng, kết nối và sẵn sàng giới thiệu để các sinh viên có cơ hôi tìm việc làm ở các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng. Các bạn SVKT cần phải tin vào năng lực, trình độ của mình”.