Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, khiến không ít trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, trẻ mất đi cha, mẹ hoặc người thân, đây là những biến cố, sang chấn lớn và bất ngờ với trẻ.
Theo ThS Cao Thị Huyền, giảng viên Tâm lý học Trường Đại học Đồng Nai, một trong những cách giúp làm dịu bớt nỗi đau của trẻ, giúp trẻ chấp nhận sự thật chính là người lớn trong gia đình hãy cùng với trẻ chia sẻ những câu chuyện về người đã mất, giúp trẻ gửi những thông điệp yêu thương đến người đã mất thông qua Facebook, Zalo… Hoặc cũng có thể giúp trẻ hiểu rằng, chúng ta không thể quay ngược thời gian, nhưng trẻ có thể lưu giữ những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp về người đã mất. Việc người lớn không nói sự thật về cha, mẹ hoặc người thân đã mất sẽ làm cho tâm lý của trẻ diễn biến xấu đi khi sau này các em biết được sự thật, thậm chí là sẽ có trẻ còn mặc cảm tội lỗi. Vì vậy, những người thân còn lại của trẻ hãy cho phép trẻ được nghe, biết về việc cha, mẹ hoặc người thân đã qua đời. Đồng thời, người lớn hãy cho trẻ quyền được bày tỏ sự buồn đau của mình bằng việc khóc than hay im lặng, thu mình…
Với những trẻ có những biểu hiện sang chấn tâm lý mạnh, ngoài việc lắng nghe các em chia sẻ, người lớn trong gia đình hãy tạo cho trẻ cảm giác an toàn bằng sự chú ý hoàn toàn trong ánh mắt, chân thành lắng nghe bằng cả trái tim, tôn trọng và không ép trẻ nói. Đồng thời, những người thân gần gũi với trẻ nên quan sát và tìm hiểu những nhu cầu, những mối lo lắng của trẻ để trấn an và đáp ứng trong giới hạn có thể, giúp các em thư giãn, bình tĩnh trở lại.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, câu chuyện trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 không phải là vấn đề trước mắt, bởi có những em mới chào đời, còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ, nên các cơ quan chức năng phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn. Do đó, Chính phủ cần có chính sách dài hạn phù hợp, giúp các em vượt qua khó khăn, được chăm sóc đầy đủ nhất đến lúc trưởng thành và có thể tự lập sau này.
Có lẽ, vì vậy mà sự xuất hiện của điểm hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mất cha, mẹ, người thân vì dịch bệnh Covid-19 là điều cần thiết hơn bao giờ hết với những trẻ em không may ấy. Những điểm hỗ trợ tâm lý này sẽ có các hoạt động hỗ trợ tư vấn miễn phí về tâm lý cho trẻ em bị mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19; tham vấn tâm lý hỗ trợ người thân đang nuôi trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó là hỗ trợ, tham vấn trẻ khuyết tật, trẻ gặp khó khăn trong học tập diện nghèo, đặc biệt khó khăn trên địa bàn quận và các nơi khác. Ngoài ra, các đối tượng đến tư vấn đều được chuyên gia trong các lĩnh vực y tế hỗ trợ.
Địa điểm hỗ trợ tâm lý tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, số 50 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, Quận 1. Thời gian: Thứ 2 – 4 – 6 hàng tuần (từ 13g30 đến 17g00).