Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ,công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy được năng lực của mình đóng góp cho đất nước. Vị thế của người phụ nữ trong xã hội cũng như trong gia đình đã và đang được nâng cao.
Những năm qua, cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuy có sự biến động, chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng lực lượng lao động nữ vẫn có xu hướng gia tăng. Hiện nay tỷ lệ số lao động nữ toàn thành phố chiếm khoảng 51% trong tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi, lao động nữ trong độ tuổi thanh niên chiếm 70%. Đây là lực lượng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ. Bộ luật Lao động ngoài một số quy định chung, đã dành riêng chương 10 quy đinh chế độ đối với lao động nữ. Thực tế những năm qua, nhiều chế độ chính sách đối với lao động nữ ở Cần Thơ đã được thực hiện, góp phần từng nâng cao nhận thức về pháp luật lao động của CBCNVC-LĐ và người sử dụng lao động đối với lao động nữ.
Bà Lê Thị Sương Mai.
Được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới và thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của thành phố, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành phố, quận, huyện và các đơn vị liên quan tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước về bình đẳng giới, công tác nữ trên địa bàn. Thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Quyết định số 2351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Quyết định 1241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Thành uỷ, UBND TP đã ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện công tác bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ nhằm giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Trong 5 năm qua, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố Cần Thơ đã tập trung thực hiện có hiệu quả 7 mục tiêu, 21 chỉ tiêu thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình trong đó chỉ tiêu về lao động, việc làm đã góp phần quan trọng để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước.
Thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhất là đối với lao động nữ thanh niên được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực việc làm. Trong 5 năm qua, đã dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 42.000 nữ thanh niên trong độ tuổi từ 16-30. Bên cạnh đó, các quận, huyện tiếp tục thúc đẩy các giải pháp tạo việc làm ở nhiều lĩnh vực phù hợp như cho vay vốn chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt chương trình hỗ trợ vốn của Hội Phụ nữ rất quan tâm các hộ phụ nữ làm chủ hộ, giúp cho vay 43,8% nguồn vốn của mình, giúp cho gần 44.000 gia đình hội viên có vốn làm ăn hoặc cho con đi học, cải tạo giếng nước, nhà vệ sinh, làm nhà ở. Đến nay đời sống của chị em phụ nữ được nâng lên, vươn lên thoát nghèo.
Riêng Đề án 1956 về Dạy nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả như dạy nghề may mặc, thêu, đan lát, kết hạt cườm, nấu ăn, trồng hoa lan, cây cảnh... đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho trên 20.000 lao động nữ, trong đó lao động độ tuổi 16-30 khoảng 14.000 người có việc làm và thu nhập ổn định. Hàng ngàn chị em phụ nữ, người tàn tật ở địa phương sau khi học nghề đan mây tre, đan thảm vải,... đã nhận hàng gia công cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có thu nhập mỗi ngày từ 50.000 - 80.000 đồng.
Mặc dù bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng trên thực tế khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại: Lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, về cơ hội được đào tạo, đào tạo lại, cơ hội thăng tiến; vẫn còn định kiến giới, phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, khi bố trí sắp xếp nhân sự; trong lĩnh vực lao động, việc làm, lao động nữ thanh niên hiện vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới, thường có xu hướng bị thất nghiệp cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ lao động nữ thanh niên bị thất nghiệp đã tăng từ 6% năm 2013 lên 7% năm 2014. Nhiều doanh nghiệp việc làm của lao động nữ không ổn định, điều kiện lao động, thu nhập tiền lương không đảm bảo,trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, trình độ quản lý, trình độ chính trị... của phụ nữ nhìn chung còn thấp so với nam giới, vẫn còn bộ phận chị em thiếu ý thức vươn lên, còn biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, định kiến, níu kéo nhau. Tư tưởng trọng nam hơn nữ còn khá phổ biến, làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ.
Để phát huy vai trò tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, trong thời gian tới Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục tổ chức tốt công tác triển khai chiến lược Quốc gia, tham mưu UBND thành phố lồng ghép các chỉ tiêu về giới trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII. Thông tin tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật BĐG, Chiến lược QG về BĐG và đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”. Thực hiện chỉ tiêu trong KH thực hiện chiến lược Quốc gia BĐG TPCT: lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015, và 50% năm 2020. Thành ủy, UBND TP có sự chỉ đạo quyết liệt để các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Các cơ quan, đơn vị coi đây là một trong những chỉ tiêu phải thực hiện hàng năm, có đánh giá tổng kết và bình xét thi đua. Tăng cường xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu qủa cho nữ thanh niên và nhân rộng mô hình.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh xóa bỏ những hủ tục lạc hậu thì phát triển kinh tê, nâng cao đời sống người dân là vấn đề rất quan trọng.Tăng cường các hoạt động dịch vụ việc làm nhằm tạo điều kiện cho nữ thanh niên có việc làm bền vững.Coi việc thực hiện BĐG là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Từ đó mỗi người ý thức tốt về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật.Tăng cường kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức trong thực hiện pháp luật BĐG và pháp luật lao động. Đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường (đặc biệt là các trường THPT), giúp cho thanh, thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống; giúp các em ý thức được trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình sau này.
Với những nội dung giải pháp cụ thể được đặt ra, tin rằng với vai trò nhiệm vụ của mình Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục làm tốt việc tham mưu, đề xuất với UBND thành phố đề ra các chủ trương, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát triển toàn diện, chỉ đạo sự phối hợp các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện
chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011- 2020.