Câu chuyện vượt khó của cô gái xương thủy tinh
Tại diễn đàn, 5 đại biểu thanh niên chủ động kể những câu chuyện của mình và mở rộng vấn đề chất vấn lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn… Câu chuyện của Vũ Thị Quyên, cô gái mắc bệnh xương thủy tinh từ lúc mới sinh khiến nhiều người thán phục nghị lực sống của cô. Cuộc sống hàng ngày của Quyên gặp rất nhiều khó khăn. Chặng đường đến trường phải có anh đưa đi. Cuộc đời cô tưởng chừng rơi vào bế tắc khi hết thời gian học phổ thông, vì nhà xa, cha mẹ già yếu, người anh phải đi làm, cô không được theo học đại học. Nhưng cuộc đời cô tìm được chí hướng tại Trung tâm Nghị lực sống. Ở trung tâm này, những người khuyết tật tự vươn lên giúp mình và chăm sóc lẫn nhau, Quyên được học công nghệ thông tin đồng thời dạy tiếng Anh cho người cùng cảnh ngộ. Với nghị lực phi thường, cô gái cả đời ngồi trên xe lăn thi tuyển vào làm việc cho Đại sứ quán Đan Mạch với mức lương khá trong 2 năm. Cô tiếp tục được chính phủ Úc cấp học bổng du học tại Úc. Cô có nhiều cơ hội làm việc tốt, lương cao hơn nhưng quyết định trở lại làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống để giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn với slogan của đời mình: “Những giá trị tốt đẹp sẽ có ý nghĩa hơn khi không chỉ giữ cho riêng mình mà mang đi cho nhiều người khác. Cứ đi sẽ đến, chỉ sợ bạn không có ước mơ thôi”. Nói là làm, Vũ Thị Quyên đang góp phần giúp đỡ nhiều số phận éo le, những người khuyết tật khó khăn được học tập, có công việc và hòa nhập với xã hội. Theo câu chuyện của Quyên, con đường hoà nhập với cộng đồng của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn nhất khi họ đi xin việc. Quyên chia sẻ: “Tôi có một người bạn rất giỏi nhưng bị khuyết tật, phải ngồi xe lăn. Trong một buổi xin việc, cơ quan tuyển dụng đã đồng ý với hồ sơ nhưng khi gặp mặt họ lập tức từ chối vì lý do cơ quan không có lối đi dành cho người khuyết tật”.
Thanh niên cần sự hỗ trợ để khởi nghiệp.
Người khuyết tật cần nỗ lực tự tạo việc làm
Anh Giàng Seo Châu - dân tộc Mông (Simacai, Lào Cai) lại kể về sự khó khăn trong bố trí công việc của những thanh niên dân tộc sau khi tốt nghiệp đại học. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không biết chữ nên 10 tuổi Châu mới được đi học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Châu thi đỗ 2 trường đại học nhưng bố của Châu không cho đi. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của bản thân, Châu vẫn đi học và tốt nghiệp đại học vào năm 2012. Sau thời gian đó, Châu về công tác tại quê nhà, cùng thời gian đó Châu tiếp tục đi học cao học và trở thành người Mông đầu tiên ở Simacai có trình độ Thạc sĩ. Châu cho biết, việc được đi học đến đại học đối với người dân tộc vô cùng khó khăn. Cả xã Mản Thẩn rất nhiều năm qua chỉ có 8 người học đại học. Tuy nhiên, học xong những người này cũng không có việc làm. Giàng Seo Châu đặt vấn đề làm sao để người dân tộc, vùng cao và khó khăn được đi học nhiều hơn và học xong có chế độ, chính sách để họ trở về quê hương?
Giải đáp những vấn đề chế độ chính sách, giao thông cho người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: “Những năm gần đây, Việt Nam đã có một vài cơ sở tiếp cận và thực hiện được đường đi riêng cho người khuyết tật. Việc tuyển dụng người khuyết tật không có bất cứ rào cản nào trong các cơ quan, đơn vị tại Việt Nam. Tuy nhiên, người khuyết tật cũng phải tự vươn lên, nỗ lực hơn nữa để tự tạo việc làm cho mình”.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên UN thường trú tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam có khoảng 25 triệu người trẻ trong độ tuổi từ 16 - 30, là thế hệ sẵn sàng kết nối nhất, mạnh mẽ nhất và cởi mở nhất từ trước tới nay. Họ là những tác nhân tạo ra sự thay đổi tích cực và đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, các ý tưởng và quan điểm của giới trẻ thường chưa được nhìn nhận. Điều này không chỉ không có lợi cho giới trẻ mà còn làm lãng phí các ý tưởng, tiềm năng của giới trẻ - ảnh hưởng tới quá trình xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. |