Ông Lê Văn Mãi, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước vừa cho biết: Sau khi vụ thảm sát kinh hoàng làm 6 người trong một gia đình ở Bình Phước bị giết chết, Công ty TNHH chế biến gỗ Quốc Anh đã ngừng hoạt động kéo theo hàng trăm lao động mất việc làm, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn.
Trước tình hình trên, Sở cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí để chuyển đổi nghề, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới cho số lao động làm việc tại công ty nếu có nhu cầu.
Về chế độ, quyền lợi người lao động, ông Mãi cho biết do hiện nay người sử dụng lao động (ông Lê Văn Mỹ) đã chết nên đại diện gia đình ông Mỹ phải đến liên hệ với Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng như bảo hiểm xã hội, công an, chính quyền địa phương để hợp thức hóa việc chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động làm việc tại Công ty TNHH chế biến gỗ Quốc Anh.
Trên cơ sở bảo hiểm xã hội được chốt (tính từ ngày xảy ra vụ thảm sát làm công ty ngừng hoạt động), đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xem xét chi trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (đã nộp bảo hiểm xã hội).
Ông Lê Văn Mãi nói: “Từ khi xảy ra vụ thảm sát đến nay, đại diện phía Công ty TNHH chế biến gỗ Quốc Anh, đại diện cho người lao động hoặc người lao động chưa đến liên hệ Sở để được tư vấn, hướng dẫn giải các chế độ, quyền lợi cho người lao động nên Sở vẫn chưa có hướng giải quyết”.
Trong khi đó cùng ngày, ông Lê Văn Chính - quản đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Quốc Anh cho biết sau vài ngày về nhà ở Bình Dương nghỉ ngơi, trưa 20-7, ông đã trở lại công ty để cùng người thân gia đình nạn nhân Lê Văn Mỹ giải quyết các chế độ, quyền lợi cho các công nhân.
“Trong tổng số 170 công nhân thì chỉ có khoảng 20 người tham gia đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, còn lại không đóng do hợp đồng lao động chỉ được ký kết ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng, thậm chí làm thời vụ không có hợp đồng. Những người có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được cơ quan chức năng chi trả các khoản theo qui định. Tuy nhiên phần đông anh em không được công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng không khiếu nại, yêu cầu, đòi hỏi được hỗ trợ tiền vì anh em hiểu và thông cảm cho sự mất mát quá lớn không thể bù đắp của gia đình nạn nhân” - ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, sau khi gia đình ông chủ bị sát hại, người thân trong gia đình nạn nhân đã đứng ra lo trả lương cho công nhân đầy đủ. Những ngày qua, 170 công nhân làm việc tại Công ty TNHH chế biến gỗ Quốc Anh đã được chi trả lương tháng cuối từ số tiền 1,7 tỉ đồng do Cơ quan điều tra tìm thấy trong ngôi biệt thự - nơi xảy ra vụ thảm sát. Mỗi người được nhận từ 5-9 triệu, tùy vị trí công việc.
“Hầu hết công nhân đều đã tự động tản ra đi kiếm việc ở nhiều nơi khác nhau nhưng chỉ mới là tạm thời. Ban đầu những công nhân nào đã có gia đình thì hơi khó khăn vì chưa kiếm được việc làm ổn định, còn những người độc thân thì cũng không lo lắm. Hiện nhiều công ty sản xuất chế biến gỗ gần công ty của ông Mỹ cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động, hy vọng mọi người sẽ sớm kiếm được việc làm mới” - ông Chính nói.
Công nhân Dương Ly (37 tuổi, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) cho biết, nếu không xảy ra vụ thảm sát, chắc chắn công việc của họ sẽ được đảm bảo và cuối năm mỗi người sẽ được thưởng từ 10-15 triệu đồng, tùy vị trí công việc.
Trong khi đó, phía người thân đại diện Công ty TNHH chế biến gỗ Quốc Anh có thông báo nếu những công nhân nào muốn làm thì nhận sang nhà máy sản xuất chế biến gỗ của ông Nguyễn Lê Vinh (em ruột nạn nhân Lê Thị Ánh Nga - vợ ông Lê Văn Mỹ) gần bên, tuy nhiên chỉ có thể nhận khoảng 40 công nhân, còn khoảng 120 công nhân thì phải tự đi xin việc nơi khác làm.