Theo đó có 6 dự án do Quỹ Tài chính Doanh nghiệp Danida Copenhagen tài trợ, gồm 5 dự án xử lý nước thải: Dự án Mở rộng hệ thống thoát nước và xử lí nước thải Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), dự án Nhà máy xử lý nước thải Cao Bằng, dự án Thoát nước và vệ sinh Ba Đồn (Quảng Bình), dự án Thoát nước, thu gom và xử lí nước Hà Giang, dự án Xử lí nước thải Vị Thanh (Hậu Giang) và 1 dự án Cấp nước sạch Lam Sơn-Sao Vàng (Thanh Hóa).
Tại hội thảo, ông Bo Monsted, Tham tán thương mại (Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch) cho biết, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch, từ năm 1995, Quỹ Tài chính Doanh nghiệp Danida Copenhagen đã tài trợ nhiều dự án với mục đích hỗ trợ nguồn kinh phí, kỹ thuật, kinh nghiệm, giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến thay đổi hạ tầng, những khó khăn gia tăng về ô nhiễm nước góp phần xây dựng đô thị xanh. “Chương trình đào tạo ngành nước sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ việc xây dựng và vận hành bền vững cả về vấn đề kỹ thuật và tài chính cho 6 dự án đang triển khai tại Việt Nam”, ông Bo Monsted nhấn mạnh.
Nước sạch đã về với nhiều vùng nông thôn Việt Nam (nguồn Internet).
Được biết, hội thảo khởi động chương trình “Đào tạo ngành nước cho 5 dự án thoát nước và 1 dự án cấp nước tại Việt Nam” bao gồm các vấn đề liên quan đến hiện trạng của 6 dự án do Quỹ Tài chính Doanh nghiệp Danida Copenhagen tài trợ; tầm quan trọng của những thay đổi về thể chế tại địa phương cũng như kết quả, khuyến nghị về những đánh giá thể chế đối với các dự án do Cơ quan nghiên cứu GFA Consulting Group nghiên cứu, tổng quan các hoạt động phát triển năng lực và những nội dung chương trình đào tạo ngành nước. Mục tiêu của chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu thay đổi đối với các dự án thuộc lĩnh vực cấp, thoát nước và đưa ra các cách thức giải quyết, chương trình, chuyển giao kiến thức, kỹ năng cơ bản cho công nhân, cán bộ quản lý trong hệ thống xử lý nước thải áp dụng vào môi trường làm việc liên quan đến giải quyết, xử lý nước thải và hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Các hoạt động nằm trong chương trình đào tạo gồm giáo trình đào tạo, chuẩn bị phương pháp đào tạo giảng viên, thực hiện các khóa đào tạo về kỹ năng dịch thuật, giám sát thi công... Bên cạnh đó, giảng viên trong nước cùng với chuyên gia đào tạo và điều phối viên dự án sẽ có trách nhiệm xây dựng tài liệu đào tạo, đặc biệt chú trọng việc kết hợp các phương pháp học tập và đưa ra định hướng cho toàn bộ khóa đào tạo. Các chuyên gia đào tạo sẽ trực tiếp tham gia giảng dạy một số phần thông qua chỉ dẫn cho giảng viên trong nước về phương pháp truyền đạt...
Bà Phạm Thị Thanh Sương, Phó Giám đốc Cty Môi trường đô thị Đắk Lắk cho biết: Từ năm 2014, Quỹ tài chính doanh nghiệp Danida Copenhagen đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 120 triệu USD nhằm triển khai các dự án nước sạch, góp phần cải thiện cuộc sống, giải quyết các vấn đề liên quan đến chống úng ngập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cũng theo bà Sương, việc thực hiện việc đấu nối hộ gia đình trong hệ thống thoát nước riêng (kinh nghiệm của dự án Danida Buôn Ma Thuột giai đoạn 1) được đánh giá là rất thành công về tiến độ và chất lượng của công trình chưa để xảy ra sự cố nào. Nhưng để có được những kết quả đó, thì phải được sự đồng thuận của các hộ gia đình, bằng các hình thức tuyên truyền, như họp cấp phường, tổ dân phố; loa, đài truyền thanh, báo chí; đính tài liệu ở trụ sở phường, tổ dân phố, phát tờ rơi... Để giúp các hộ dân sớm nhận ra tầm quan trọng của nước sạch, cùng tham gia để dự án thành công.