Chính vì vậy, Mạng lưới vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS) và Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) thực hiện chương trình giúp người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn một khoản vốn nhỏ phục hồi sinh kế.
Chương trình là một phần trong dự án hỗ trợ người lao động tự do vượt qua ảnh hưởng của Covid-19 được tài trợ bởi các mạnh thường quân thông qua ECUE.
Là một trong những người đầu tiên nhận hỗ trợ của dự án, chị Hoàng Thị Trang làm nghề bán cá ở vỉa hè gần chợ tại Định Công Thượng, Hà Nội cho biết, ba tháng nay gia đình chị không có thu nhập do phải ở nhà. Con trai lớn bị viêm màng não nên phải nằm tại chỗ, cháu vẫn phải dùng bỉm mỗi ngày. Đứa con nhỏ thì đang học tiểu học nên cũng có nhiều thứ phải lo. Trong dịch covid-19 gia đình chị dù được hỗ trợ bởi người thân, bạn bè, hàng xóm nhưng vẫn phải vay mượn để chi trả cho cuộc sống.
Khi nhận được 3 triệu đồng hỗ trợ của Chương trình, chị Trang xúc động chia sẻ: “Đây thực sự là sự giúp đỡ rất thiết thực cho gia đình tôi. Mấy hôm nay hết giãn cách mà vẫn không có vốn để đi bán hàng tiếp vì chúng tôi thực sự đã cạn kiệt. Khi được mọi người trong dự án đến thăm hỏi hoàn cảnh gia đình và hỗ trợ, tôi cảm thấy mình không phải vì nhỏ bé mà bị mọi người không biết đến”.
Ông Lương tâm sự: “Giãn cách xã hội, chốt ở ngay đầu ngõ. Cả hai vợ chồng tôi chỉ ở trong nhà 3 đến 4 tháng trời không đi làm được nhưng vẫn phải chi tiêu ăn uống, trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước… Thế nên, bây giờ dù dịch được kiểm soát ổn định rồi, được phép đi bán hàng rồi, muốn đi lấy ít hàng về để đi bán nhưng trong túi chẳng còn xu nào. Hôm trước, tôi phải đi lấy chịu, khất nợ chủ hàng. Có chiếc xe đạp để chở đồ dắt quanh phố bán thì sau vài tháng không dùng đến cũng bị rỉ và hỏng nên phải thay xích và sửa chịu người ta. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được tổ chức nào đó hỗ trợ cho mình tiền vốn để có thể mua hàng về bán. Thế nên khi được hỗ trợ tiền để bán hàng lại tôi thấy rất hạnh phúc. Tôi vô cùng bất ngờ và phấn khởi khi Dự án quan tâm đến những người như chúng tôi”.
Ông Phạm Văn Sen, 60 tuổi, là người khuyết tật vận động. Ông Sen từ Bến Tre lên TP. Hồ Chí Mình từ năm 1996 để mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.Ông Sen chia sẻ: “Người nghèo và khuyết tật như chú cực khổ lắm, ngày nào cũng cố gắng đi bán để có tiền trang trải cuộc sống, nào là tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền thuốc men, tiền học hành cho con cái. Cố gắng đi bán quanh năm suốt tháng vậy mà cũng không để dành nổi tiền tiết kiệm, làm ngày nào là ăn ngày đó, chắt chiu mới đủ sống được. Dịch vừa rồi 4 tháng, nằm ở nhà không đi bán được mà tối lo lắng không ngủ được luôn. Mấy tháng ở nhà mượn tiền đầu này đầu kia để có tiền cơm nước, thuê nhà. Nay, được Dự án tới thăm và trao tiền hỗ trợ vốn mua vé số mà chú vui quá. Có tiền mua vé số bán lại, chứ ở nhà không đi bán chú sợ quá trời”.
Bà Hoa chia sẻ: “Mấy tháng dịch nhờ sự giúp đỡ của mạnh thường quân mới có gạo, rau, mắm muối sống qua ngày. Chứ tiền tiết kiệm, tiền hỗ trợ của Nhà nước đã gom vào trả tiền nhà hết rồi. Mấy nay, thành phố cho bán lại vé số mà bác không còn tiền trong người nên không biết vốn đâu đi bán lại. May mắn quá được Dự án hỗ trợ, bác vui quá, sắp được đi bán lại để có tiền lo ăn uống, thuốc men, tiền nhà tiền cửa”.
“Đây chính là lý do mà mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống thực hiện Dự án này”, ông Lê Quang Bình điều phối viên của VMHNĐS cho biết và chia sẻ: “Chúng tôi thấy người buôn bán nhỏ, bán hàng rong đã bị kiệt sức sau thời gian dài phải nghỉ làm việc. Hỗ trợ họ có vốn để phục hồi các hoạt động sinh kế sau giãn cách xã hội chính là cách giúp họ nuôi bản thân và gia đình một cách tự chủ và bền vững. Chúng tôi mong muốn các cá nhân, tổ chức không chỉ dừng lại ở hỗ trợ từ thiện trong dịch mà nên tiếp tục hỗ trợ người nghèo phục hồi sinh kế sau khi dịch đã đi qua. Điều này không chỉ có hiệu quả lâu dài cho cá nhân người nghèo, mà còn giúp cho nền kinh tế phi chính thức phục hồi nhanh hơn”.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam cho biết: “TP. Hồ Chí Minh đã dần dần đi vào những hoạt động buôn bán trong bối cảnh bình thường mới sau thời gian dài giãn cách xã hội. Để giúp những người nghèo thành thị, những người buôn bán lề đường, những gánh hàng rong, mạng lưới phi lợi nhuận miền đang triển khai 100 gói hỗ trợ ngân sách 3 triệu đồng và 5 triệu đồng cho bà con buôn gánh bán bưng. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đã cho phép vé số hoạt động lại nên rất nhiều trường hợp người khuyết tật, người già đã bắt đầu cần vốn để hỗ trợ việc buôn bán nuôi sống mình và gia đình. Tiếp tới là các gánh hàng rong, quán lề đường, bên con hẻm đủ các mặt hàng ăn uống, làm đẹp (sơn móng tay móng chân, làm tóc bình dân)... sẽ bắt đầu trở lại, đây chính là những người sẽ nhận được gói hỗ trợ của Chương trình".
Hoạt động phục hồi sinh kế được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2021 cho 200 người bán hàng rong, bán vé số, buôn bán nhỏ ở vỉa hè, bên đường gặp khó khăn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dự án tiếp cận người cần hỗ trợ thông qua sự giới thiệu của các cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương. Sau khi tiếp nhận thông tin, dự án sẽ xác minh thông tin, đến thăm người cần hỗ trợ và tiến hành thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng.
Ngoài việc cung cấp tiền vốn, dự án muốn tăng cường sự kết nối giữa người dân, các tổ chức xã hội như VMHNĐS và SNPO, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để cùng nhau vượt qua khó khăn chung do dịch Covid-19 gây ra.