Tây Nguyên là vùng đất mà hội tụ nhiều các dân tộc anh em di cư từ mọi miền tổ quốc lên lập nghiệp sinh sống. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy phụ nữ Tày miệt mài ngồi cắt, dán những cánh hoa giấy, chim muông đủ hình thù, màu sắc có một lần đến huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk. Nhìn qua, cây hoa báo hiếu không có gì đặc biệt nhưng nó được làm rất công phu tỉ mỉ, do chính tay người thân trong nhà làm và phải tuân theo những quy luật riêng.
Chị Chu Thị Nơm ở thôn 7 xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk, người có nhiều năm kinh nghiệm làm hoa cho biết: Dù sinh sống ở đâu, người Tày vẫn giữ phong tục làm hoa báo hiếu. Cây hoa trong đám ma của người Tày ở các tỉnh phía Bắc phân theo tầng lớp con cái, cháu chắt, anh em họ hàng nội, ngoại. Đối với con trai, con dâu cây hoa có tên “hoa ta” là sự đền đáp, kính trọng của con dành cho cha mẹ, cảm ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng và cầu phúc xin lộc cho con cháu. Với con gái, con rể cây hoa có tên “hoa nhàng”, nhằm báo hiếu, trả ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ cho đến khi đi lấy chồng. Còn các cháu ruột và cháu trong họ hàng đều có cây hoa riêng để báo hiếu, cảm ơn công lao chăm sóc, dạy dỗ của ông bà. Ai cũng phải làm một cây, tùy theo cấp bậc, vai vế trong gia đình cây hoa sẽ có hình dáng to nhỏ, số vòng, dây hoa khác nhau.
Bà Nơm làm cây hoa giấy báo hiếu
Di cư vào Đắk Lắk, phong tục người Tày được đơn giản hơn nhiều. Việc làm hoa báo hiếu chỉ bắt buộc với con gái và không nhất thiết phải tự tay làm mà có thể mua, nhờ làm giúp. Cây hoa của chị cả phải cao, to hơn của các em, số dây trên mỗi tầng phải hơn 13. Con trai thì không bắt buộc, nếu có cũng đơn giản, ít hoa hòe hơn, mỗi tầng hoa cũng chỉ làm 9 dây. Ngoài lễ vật bắt buộc, con gái còn chuẩn bị mâm bánh giày kèm một con lợn to để cúng.
Ông Chu Văn Cương ở cùng thôn giải thích: “Đó là cây hoa báo hiếu cha mẹ, ông bà của dân tộc chúng tôi. Khi gia đình có người chết, dù già hay trẻ, con cháu đều phải làm để thể hiện tình cảm của người sống đối với người đã khuất”.
Cây hoa được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: Cây tre, cây chuối non, cây nứa tép, giấy màu thủ công. Mỗi cây gồm ba tầng tượng trưng cho vòng đời của con người: Sinh ra, lớn lên, chết đi. Tầng một là mâm đế chân hoa, được làm khá chắc chắn biểu tượng cho nguồn cội, gốc rễ. Tầng hai là thân do nhiều bông hoa, chim muông màu sắc sặc sỡ kết thành từng dây tái hiện cuộc sống sung túc, hòa hợp. Tầng trên cùng là ngọn thể hiện khát vọng bất tử của con người. “Tình cảm của con, cháu dành cho người mất thể hiện qua cây hoa. Cây càng đẹp, càng trau chuốt thì tình yêu thương, quý trọng càng nhiều” - ông Cương cho biết thêm.
Ý nghĩa trong cuộc sống tâm linh của người Tày, cây hoa là một biểu tượng thiêng liêng. Ngoài việc để báo hiếu, cầu phúc thì cây hoa còn là tín vật đi đường của người chết. “Người Tày quan niệm, khi về thế giới bên kia, linh hồn người chết phải qua sông, qua biển rồi mới đến đồi hoa thơm ngát để “gội sạch” bụi trần. Người nào chết mà không có cây hoa sẽ bị coi là “vô phúc” và không có tín vật đi đường. Bởi thế, khi đưa tang cây hoa sẽ được con cháu cầm đi trước quan tài và hóa cùng với ngôi nhà táng sau khi đắp xong mộ. Nếu đám ma nào có quá nhiều hoa thì phải đốt thêm hình nhân và ngựa giấy, cho chúng cùng theo về để chăm sóc hoa” - anh Nông Văn Tường sống ở huyện Ea Súp cho biết thêm.
Điều kiện để được làm cây hoa báo hiếu cha mẹ khi người con đã trưởng thành và lập gia đình, có thông gia nội, ngoại. Nếu bố hoặc mẹ mất trước mà người con chưa đủ điều kiện sẽ được làm bù hai cây hoa vào lần sau. Những người không có con cái khi mất phần hoa giấy do anh em họ hàng đã có gia đình đảm nhận.