Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 3%
Về Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu phấn đấu duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 3%; các huyện, xã nghèo giảm tỷ lệ bình quân mỗi năm từ 4 - 5%; hỗ trợ hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh theo bộ tiêu chí xây dựng NTM; thực hiện có đồng bộ, hiệu quả cơ chế chính sách, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% thôn, bản khó khăn nhất có đường giao thông được cứng hoá, hỗ trợ phương tiện nghe nhìn; có mạng lưới trường mầm non, tham gia BHYT, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí; 90% thôn bản có công trình thuỷ lợi phục vụ cho trên 90% diện tích trồng lúa nước… Tổng kinh phí dự kiến khoảng 8.200 tỷ đồng (Trung ương: 7.654,5 tỷ đồng; địa phương: 80 tỷ; vốn vay giai đoạn II: 315,50 tỷ đồng; huy động: 150 tỷ đồng).
Ông Dũng cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu trong Chương trình Quốc gia rất khó khăn do tỉnh còn nhiều xã, vùng nghèo, đặc biệt khó khăn. Vì vậy, cần sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực của Trung ương và địa phương. Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tham mưu đưa ra giải pháp để triển khai các kế hoạch có hiệu quả như: Nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường công tác phối hợp, thu hút đầu tư, phát triển mạng lưới an sinh xã hội và sản xuất, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống của cư dân.
Nuôi bò giảm nghèo ở bản Lác, huyện Mai Châu (Hoà Bình).
Thực hiện lồng ghép các chương trình
Năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các huyện tiêu chuẩn lựa chọn và lập danh sách xây dựng nhà đại đoàn kết cho 40 hộ nghèo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP. Hòa Bình hỗ trợ 5 hộ nghèo xây nhà ở kinh phí 250 triệu đồng. Có 33 hộ nghèo huyện Kim Bôi và TP. Hòa Bình được hỗ trợ bò giống từ Dự án Ngân hàng bò để phát triển chăn nuôi. Phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các huyện chỉ đạo các xã tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện 5 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2015 tại các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi. Đồng thời, triển khai thực hiện xây dựng mới 2 mô hình giảm nghèo năm 2016 cho 60 hộ nghèo tại các huyện Kim Bôi và Lạc Sơn.
Thực hiện các chương trình tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 22.764 lượt khách hàng vay số vốn 541.074 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm … trong đó có: 9084 hộ nghèo vay số vốn 242.612 triệu đồng; 3.967 hộ cận nghèo vay số vốn 109.086 triệu đồng. Thông qua các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, ước tính cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 4% , đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND giao.
Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết, năm 2017 Hoà Bình sẽ thực hiện lồng ghép chương trình, dự án giảm nghèo với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, xã khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm thu nhập cho lao động góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.