Gia đình ông Bùi Văn Đềm, xóm Trang Trên, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình những năm về trước có cuộc sống khá khó khăn. Gia đình không có vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế nên hầu như không có thu nhập. Năm 2010, gia đình ông Đềm được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH mua 01 con trâu sinh sản và đầu tư trồng mía. Sau 05 năm cần cù, chịu khó và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Đềm dần có thu nhập ổn định. Có động lực vươn lên thoát nghèo, năm 2015, ông Đềm tiếp tục vay 30 triệu đồng đầu tư trồng 300 gốc bưởi, đào ao nuôi cá và chăn nuôi lợn nái. Năm 2020, gia đình ông tiếp tục được NHCSXH duyệt vay vốn chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Khoản vay này ông sử dụng xây bể đựng nước ăn và xây nhà vệ sinh. Ông Đềm tâm sự: “Nhờ những đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH, từ một hộ nghèo, kinh tế gia đình tôi đã cải thiện rõ rệt, có nguồn thu nhập ổn định. Hiện tại, gia đình tôi đã thoát nghèo và có thêm tích lũy để có điều kiện cho con học hành tốt hơn”.
Trang trại rộng đến 1ha của gia đình chị Quách Thị Huyền ở thôn Ba Lầm, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có gần 2.000 con gà đang chuẩn bị xuất bán cùng 05 con lợn nái và 09 con giống đang kỳ phát triển là thành quả lao động cần cù, miệt mài với động lực là nguồn vốn vay chính sách xã hội.
Chị Huyền chia sẻ, vợ chồng chị khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Năm 2002, gia đình chị được vay 03 triệu đồng từ NHCSXH huyện Kim Bôi để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vừa phát triển chăn nuôi, vừa tích lũy, tiết kiệm, sau vài năm gia đình chị đã trả hết nợ cho ngân hàng và tiếp tục xin vay vốn để mở rộng mô hình sản xuất. Với mô hình chăn nuôi này, sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Cùng ở thôn Ba Lầm, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, gia đình chị Hà Thị Hiên cũng được NHCSXH huyện Kim Bôi duyệt vay 50 triệu đồng đầu tư mua 200 con gà giống thả vườn và 01 con lợn nái. Sau một năm, vốn đầu tư đã có thành quả khi chị xuất bán 09 lợn con với giá 01 triệu đồng/con. Cùng với đó, 200 con gà lứa đầu cũng cho gia đình chị doanh thu hơn 10 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Lợi nhuận đem lại tuy chưa nhiều nhưng bước đầu đã giúp gia đình Hà Thị Hiên có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Năm 2020, gia đình ông Bàn Văn Toàn, xóm Tằm, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc được vay 40 triệu đồng từ NHCSXH. Nhận thấy nhu cầu trâu thịt cung cấp cho thị trường thực phẩm ngày càng tăng cao, ông Toàn đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua trâu về nuôi nhốt, vỗ béo để bán. Với thời gian vỗ béo trâu từ 03 - 05 tháng, mỗi con trâu ông Toàn thu lãi từ 04 đến 05 triệu đồng. Song song đó, ông Toàn đầu tư trâu nuôi sinh sản, tính trung bình với mỗi con nghé khoảng 06 tháng tuổi có giá bán từ 12 - 13 triệu đồng/con. Hiện tại, tổng số đàn trâu nhà ông Toàn đã lên tới gần 10 con.
Ông Bàn Văn Toàn cho biết, từ khi được vay vốn chính sách xã hội đến nay, đời sống của gia đình ông đã không còn khó khăn như trước; các thành viên trong gia đình có việc làm, có điều kiện về vốn để phát triển chăn nuôi gia súc, xây dựng các mô hình kinh tế vườn ao chuồng, có điều kiện cho các con ăn học.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có rất nhiều hộ dân được vay vốn NHCSXH đã vượt khó vươn lên, thay đổi tập quán làm ăn, tìm tòi học hỏi, phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh như chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, đầu tư hệ thống lồng bè nuôi cá đặc sản, trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, qua đó, đồng vốn vay ưu đãi đã thực sự phát huy hiệu quả, gia tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình.
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất bị đình trệ, người lao động không có việc làm, đời sống của người lao động vô cùng khó khăn. NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã nhanh chóng thực hiện giải ngân cho 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được vay vốn để trả lương cho 549 người lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19; cho vay học sinh, sinh viên mua 1.009 máy tính phục vụ học tập trực tuyến; cho vay hỗ trợ 14 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập để mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.
Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ NHCSXH có ý nghĩa hết sức cấp thiết, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động tại tỉnh Hòa Bình bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Tới nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa… qua đó, góp phần hạn chế tín dụng đen ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.