Dã quỳ ở Mộc Châu.
Duyên nợ với dã quỳ
Nếu không nhầm thì tôi bị hoa dã quỳ ám ảnh từ khi tôi… chưa nhìn thấy loài hoa này. Số là tôi có đọc một truyện ngắn của một nữ nhà văn lấy màu của loài hoa này làm nền cho một câu chuyện tình ngoài luồng. Nói thẳng đấy là ngoại tình nhưng hai người trong cuộc ứng xử vô cùng tinh tế, văn minh nên nó gieo vào lòng người sự u hoài, khắc khoải của một loại tình cảm mãnh liệt, sâu sắc và thường thách thức cả đạo lý. Ai cũng biết ngoại tình là vi phạm cả luật pháp lẫn đạo đức, nhưng mấy ai trong đời mà không ngoại tình ít nhất một lần?! Nhất là ngoại tình trong tâm tưởng. Thế là tôi bị dã quỳ ám ảnh - sự ám ảnh vừa thánh thiện, vừa ma mị.
Khoảng chục năm trước, vì bị “thiêu đốt” bởi cái màu vàng của dã quỳ mà tôi phải tìm cách đánh đường vào Đà Lạt. Nhưng người ta bảo rằng, đừng lên Đà Lạt một mình nếu khi chưa muốn tự tử. May mắn là bọn tôi có một chuyến đi tập thể. Một nhóm bạn học từ thời phổ thông, tuổi đã trên ngũ tuần dung dăng dung dẻ hẹn nhau ở Đà Lạt. Người thì ở Hà Nội vào, đứa thì ở TP. Hồ Chí Minh lên, thậm chí có tên từ Sa Pa cũng góp mặt. Đây là cuộc “săn” dã quỳ có dụng ý. Ngay từ sân bay Liên Khương, chúng tôi đã bị dã quỳ bủa vây một cách êm ái. Lần đó, chúng tôi dành hẳn một ngày để đi trên cung đường gần trăm km do dã quỳ ngự trị. Cảm xúc của chúng tôi đều thuần khiết - chỉ dành cho dã quỳ.
Sau chuyến “săn” dã quỳ Đà Lạt, cứ mỗi lần lên vùng bán sơn địa là tôi đi tìm dã quỳ. Và tôi đã gặp dã quỳ ở Hà Giang, ở Sơn La, ở Lai Châu… Hóa ra dã quỳ đã nhanh chóng chiếm lĩnh tất cả những vùng đất nó có thể sống và gieo vào lòng người cái màu vàng đầy sự ám ảnh một cách rộn rã. Dã quỳ nhuộm vàng Ba Vì, Tam Đảo. Và ngạc nhiên chưa!? Dã quỳ kiêu hùng lặng lẽ ken dày trên miền Tây xứ Nghệ. Trên đường từ huyện Tương Dương lên huyện Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An, tôi thấy dã quỳ nở rộ vàng rực trong một chiều cuối thu. Không có bất cứ bóng hồng nào trên xe, anh em chúng tôi lặng lẽ ngắm dã quỳ và cố tìm xem có điều gì bí ẩn trong cái màu vàng tinh khôi và ma mị kia. Dường như đã có một chiến dịch âm thầm “dã quỳ hóa” đất nước chúng ta.
Bạn cùng lớp “hẹn hò” với dã quỳ Đà Lạt.
Dã quỳ - Biểu tượng mới của mùa mát mẻ
Bây giờ, cứ cuối thu, đầu đông, dã quỳ nở rộ bạt ngàn trên nhiều cung đường, triền núi, mỏm sông đất Việt. Thế là từ một loài cây dại có xuất xứ từ nước ngoài, dã quỳ đã chiếm lĩnh vùng bán sơn địa của dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương, chiếm lĩnh luôn những trái tim thổn thức. Lên miền rừng heo hút là thế nhưng cái màu vàng của dã quỳ cho ta cảm giác ấm áp, thân thương ngay cả khi ta độc hành. Ai cũng thích cảm giác đường dài, mây trắng, lá xanh, dã quỳ vàng.
Dã quỳ có những tên gọi khác như cúc quỳ, sơn quỳ… Hình như chữ “quỳ” ở đây xuất phát từ truyền thuyết về loại hoa này. Truyền thuyết liên quan đến tình yêu đôi lứa, liên quan đến chuyện chàng trai giàu có, đẹp trai, yêu mà không được yêu. Vì ghen tuông, thù hận nên dùng đến bạo lực. Đó là con trai tộc trưởng không được cô gái đẹp nhất trong vùng yêu. Cô gái này lại yêu một chàng trai bình thường và họ sống với nhau rất hạnh phúc. Tức giận vì điều này, con trai tộc trưởng cho người bắt chàng trai trói vào gốc cây. Cô gái đi tìm người yêu, thấy chàng bị trói nên chạy tới ôm. Thế là hai người bị giết chết trong tư thế quỳ bên nhau… Truyền thuyết nào cũng có cái chết bi hùng để từ đó xuất hiện những loài hoa đẹp.
Dã quỳ là loài cây dễ mọc, sinh trưởng nhanh, thường ra hoa vào dịp cuối mùa thu, đầu mùa đông và duy trì sự rực rỡ cho tới mùa xuân. Suốt cả thời gian này thời tiết mát mẻ, có mưa rơi và nhiều loài hoa nở. Song, dã quỳ vẫn nổi bật nhất vì dã quỳ có mặt ở nhiều nơi, nở trong nhiều ngày và màu vàng rực rỡ và có phần huyền bí. Một điều đáng nói nữa là dã quỳ rất “bướng bỉnh” vì mỗi hoa thường có 13 (con số 13 nhiều người muốn tránh!) cánh, nhụy căng tròn, tràn đầy sức sống, tỏ ra kiêu hãnh, tượng trưng cho một tình yêu chung thủy, bền chặt.
Dã quỳ miền tây xứ Nghệ.
Mặc dù dã quỳ có một vẻ đẹp kiêu sa, lãng mạn, có một truyền thuyết đầy ý nghĩa như vậy, nhưng dã quỳ lại không phải loài hoa để tặng nhau. Ai yêu quý dã quỳ, cứ đến nơi dã quỳ nở, đứng nhìn ngắm rồi về, không hái hoa, bẻ cành. Dã quỳ ưa tự do trong hoang dã để toát lên vẻ đẹp mộc mạc, kiêu hùng, bản lĩnh, bí ẩn… Có thể xem dã quỳ là biểu tượng cho vẻ đẹp của cả mùa mát mẻ.
Dã quỳ là loài cây lành, có ích. Thân và lá để làm phân xanh. Dã quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt. Ngoài ra, dã quỳ còn có thể dùng trong y học. Dã quỳ lại có sức sống mãnh liệt nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng bằng cách giâm cành nên loài cây này có mặt ở khắp mọi nơi. Nhưng trước hết, dã quỳ có mặt trong văn chương, nghệ thuật một cách duyên dáng và sâu sắc.Dã quỳ xuất hiện trong thơ ca, nhạc họa và thu hút sự chú ý của các tao nhân bằng vẻ khiêm nhường trong rực rỡ. Ít loài hoa nào có được phẩm chất quý báu này.
Xuân đang đến, Tết đang về, trong muôn vàn loài hoa đua sắc, dã quỳ lặng lẽ rực rỡ để khiến con người lặng im, cố tìm tòi trong sâu thẳm lòng mình những điều quý giá nhất. Giá trị lớn lao của dã quỳ nằm ở đây.
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE