Trở về thủa hồng hoang, có bao truyền thuyết về những vị thần linh xứ Việt được sinh ra “vào một đêm mưa gió thấm nhuần’’. Chỉ có thể là đêm mùa xuân, chỉ có mùa xuân mới khiến đất trời và con người hòa hợp đến thế. Trong sự huyền diệu ấy, thần linh đã sà xuống, gặp gỡ, trao gửi, cận kề với những người con gái trinh nguyên, những người mẹ hoàn mỹ để rồi thánh nhân ra đời. Truyền khẩu những câu chuyện nhà ngài với những công trạng hiển vinh bao đời còn nhớ, đền miếu thờ phụng các ngài khói hương vẫn ngát. Bao lễ hội xuân, dân thôn vẫn thành kính nhắc tích xưa.
Cũng phải nói thêm, biết đâu, thủa xa xưa, hoa đào, xứ đào hoa biết chuyện đó của thần linh, của người cõi khác với người cõi này, nên hoa mới giữ được vị thế trong mùa xuân. Cái đêm mưa gió thấm nhuần kia hẳn đào hoa, đào hồng, cựa mình, thức trông. Chẳng thế mà không bỗng dưng, người Việt ta nói “số đào hoa’’ hận “phận đào hoa’’. Và rồi, đào hoa, hồng loan là hai ngôi sao trong bản tử vi, sao an cung nào, gắn với số phận ra sao, vẫn được thầy tử vi nhấn mạnh với những cái nhíu mày, đôi khi lựa lời, không dám nói hết.
Hoa đào đã đi cả một chặng dài, gần trọn bốn mùa rễ cành mải miết, để những ngày cuối cùng của mùa đông, để khi chỉ cần nhón chân bước cuối là sang xuân thì nụ hoa về đậu trên cành. Hoa đón sương rét, gió lạnh, hoa nhận nồm ẩm, nắng muộn để khoe sắc. Sắc đẹp được đón đợi, ngắm nhìn cùng không ít những ý niệm chung riêng.
Người xưa vẽ đào lên giấy, lên gốm, tạc đào vào gỗ, vào đá. Thời gian đi qua, những màu đỏ thắm đã phai, những bông hoa năm cánh đã mòn trong gió mưa, binh biến. Nhưng không bao giờ mất, hồn hoa truyền đời đến những thế hệ sau, để người thợ vẽ, thợ đục nay vẫn tiếp lối xưa. Tạc hoa như đang nở, mầm xuân như đang nhú, mùa xuân đang về, xuân tự xưa về với xuân nay trong từng chi tiết, trong xúc cảm bay bổng của truyền nhân.
Hoa đào được đất trời gửi trao sinh khí đem đến mùa xuân, hoa đào gắn với ý niệm mang dương khí và tránh tà trong dịp Tết. Người ta đem hoa về đến khuôn cửa coi như đã yên tâm, đón được mùa xuân, có chúa xuân hiện hữu. Ngắm nhìn hoa, trìu mến với sắc màu, cánh nhụy, để chạm vào xuân, hòa nhịp thở với xuân, chỉ có hoa đào mới làm được điều mà không một loài hoa nào có thể thay thế. Có những vùng đất, hoa đào làm nên danh tiếng, như đào Nhật Tân, có những miền biên viễn như Bắc Sơn – Lạng Sơn, Bảo Hà – Lào Cai…, người kinh kì được cử lên giữ biên ải mang đào bích lên đó trồng để đỡ nhớ hoa chốn kinh thành, giống hoa ấy còn cho đến tận giờ. Cứ đến mùa xuân, đất quan xưa, hay nhà dân nay, hoa đào nở thắm, khác hẳn những đào rừng nhạt màu trên núi.
Hoa đào cũng là nguồn cảm hứng cho muôn đời thi sỹ. Loài hoa linh hồn xuân chọn để trú ngụ, khiến câu chữ trở nên đặc biệt. Bao người sẽ lãng quên, nhưng sẽ có người chọn mang theo cho mình một xúc cảm xuân, thế là đủ với người viết.
Có bức vẽ đào tươi mới như hoa trong vườn, hoa trên phố, như cành hoa mới về đến cửa còn đọng mưa bụi. Có bức lại phiêu du chưa từng bắt gặp, là đóa hoa trong tâm tưởng của họa sỹ. Hoa cho một người, cho ngày đã xưa, đôi người biết chuyện hoa. Rằng hai người lỡ cả, phận đào hoa, biết làm sao.
Lại có những người, xuân về, Tết đến, tìm đào xưa trong những sản phẩm in dấu thời gian, cũ kĩ, có khi không còn nguyên vẹn. Người ta kiếm tìm một thế, một màu hoa như năm ngoái, năm xưa, như thoảng qua chợt thấy… Và rồi thấy sắc hoa tươi mới như đôi môi thủa nào. Lạnh cóng, đôi bàn tay được ủ ấm, trái tim thổn thức. Yêu...
Hoa đào của mùa xuân dù là hoa đơn 5 cánh mỏng hay loại nữa nhiều cánh hơn, màu hồng nhạt, nhuỵ vàng mỏng mảnh, thường gọi là đào phai, đều khiến người ta nghĩ rằng màu hồng phai này bền nhất trong thiên nhiên. Thây kệ gió rét, mưa bụi tự bờ sông lộng gió cho đến heo hút gió ngàn thì đào phai vẫn phơi phới.
Lại có loài hoa đào kép bông to hay còn gọi bích đào, đỏ thắm, nhuỵ vàng. Hoa đậu trên thân gốc xù xì, phơi phới cùng lộc biếc, nhìn hoa như thấy cả nắng gió mùa đã qua, lại như thấy xuân thời.
Dù là đào đơn hay đào kép, đào phai hay đào đỏ, người xứ Bắc phải rước bằng được hoa đào về nhà trong dịp Tết. Có những cành hoa trên tay người lính trở về từ chiến trận, mẹ khóc với đứa con không lành lặn, mẹ khóc với cành hoa hội ngộ năm ấy. Có bao người mẹ không được nhận cành hoa dù là từ bàn tay còn lại của con trao tặng. Giọt nước mắt mặn chát, đớn đau. Bao mùa xuân mẹ vẫn thầm ước, con trai mẹ đẹp trai, vạm vỡ rẽ về lối ngõ nhà mình.
Có cành hoa chong đèn cùng mẹ những ngày tháng Chạp. Khi mẹ thức trọn đêm cố đan cái áo len mới cho em diện Tết. Còn chị được cái quần bằng vải xanh chéo, suất mẹ đổi lại của người cùng cơ quan. Cái quần khâu xong mũi cuối cũng là khi Giao thừa. Hoa đã giữ hộ mẹ niềm vui áo Tết ấy mãi mươi năm sau khi chị đã lấy chồng, em đã có lương tháng đầu đúng dịp Tết mẹ mới kể. Chị em nhớ áo len mới, nhớ quần xanh chéo và nhớ lời mẹ rằng “Tết có cành đào tươm tất hẳn’’. Mẹ đã mang áo cũ bên hoa không chỉ Tết ấy, mẹ giữ trọn niềm vui áo mới của các con theo cách của mẹ, tính mẹ bao giờ cũng thế. Để rồi nhà mình, nhà các con của mẹ không Tết nào vắng bóng hoa đào. Có năm, em chọn lại màu áo len Tết năm ấy và nhắc chuyện Tết nhà bà ngoại như giở ra một kỉ vật của mẹ để dành cho.
Hoa đào có linh hồn, nên tất thảy vẹn nguyên.
Nguyễn Minh Hoa/TC GĐ&TE