Hóa đơn tiền điện tăng sau khi áp khung giá mới. Ảnh: HD
Hóa đơn điện tăng mạnh, dù chưa phải mùa hè
Tháng trước (từ 16/2 đến 15/3/2019), gia đình ông Dương Văn Thêm (Thanh Trì, Hà Nội) trả 1.044.000 đồng tiền điện. Sang tháng này (từ 16/3 đến 15/4/2019), với cách tính giá điện mới cùng với việc có một vài ngày trời nóng phải sử dụng điều hòa, gia đình ông phải trả 1.627.000 đồng, tăng khoảng 56% so với tháng trước.
"Dù chưa phải mùa hè, nhu cầu dùng điện chưa tăng quá lớn nhưng tháng này hóa đơn điện đã tăng cao rồi. Sang tháng tới, với 3 chiếc điều hòa trong nhà phải sử dụng thì chắc tiền điện còn tăng nữa. Nhà tôi đang tính phải chia tách hộ khẩu để giảm bớt chi phí cho điện", ông Dương Văn Thêm nói.
Ông Dương Văn Thêm nhẩm tính, tháng này chỉ có 4 ngày tính theo giá điện cũ, còn lại 26 ngày tính theo giá điện mới. Chưa kể tháng trước chỉ có 28 ngày, tháng này 31 ngày, do đó tiền điện tăng cao cũng nằm trong dự tính của gia đình, tuy nhiên ông không lường được giá điện tăng nhiều như vậy.
Còn với bà D.T.Phúc, một hộ đơn thân sống tại Khu tập thể 19/3 (Thanh Trì, Hà Nội), nhà bà dùng điện chủ yếu thắp đèn chiếu sáng. Tháng trước bà chỉ phải trả 51.000 đồng tiền điện (được tính với mức giá của bậc thang thấp nhất áp dụng dưới 50 kWh), tháng này bà phải trả 79.000 đồng, cũng tăng 55%.
Tại cuộc họp báo tăng giá điện hồi cuối tháng 3, đại diện Bộ Công Thương cho biết với giá điện mới, với bậc 1, khách hàng sử dụng dưới 50kWh, giá điện sẽ tăng khoảng 8,3% (khoảng 7.000 đồng/tháng). Bậc 2 (từ 50 đến 100 kWh), khách hàng phải trả thêm hàng tháng khoảng 14.000 đồng (tăng khoảng 8,4%). Với bậc 3 (sử dụng dưới 200 kWh), khách hàng trả thêm 31.600 đồng. Khách hàng sử dụng đến 300 kWh/tháng (bậc 4) sẽ tăng chi phí 53.100 đồng/tháng, đến 400 kWh (bậc 5) sẽ trả thêm 77.200 đồng/tháng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã phân tích đó chỉ là mức tính toán bình quân cho các hộ trong trường hợp dùng điện y như tháng trước. Còn thực tế, với những gia đình sử dụng nhiều điện (vượt quá 400 kWh) thì số tiền điện sẽ tăng rất mạnh. Điều này cũng tương ứng với quan điểm lâu nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như cơ quan quản lý, cho điện là loại hàng hóa đặc biệt không khuyến khích tiêu thụ nhiều, tức là càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền.
So sánh khung giá bán lẻ điện sinh hoạt cũ và mới. Nguồn: EVN
Nói về nguyên nhân dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 của các hộ dân tăng cao, đại diện EVN HANOI cho biết, theo quy luật thời tiết hàng năm những ngày đầu tháng 4/2019, khu vực miền Bắc đặc biệt là Thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C. Do đó nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng dần.
Số liệu theo dõi của EVN HANOI cho thấy sản lượng điện tiêu thụ trung bình từ 47 triệu kWh/ngày, những ngày cuối tháng 3/2019 lên đến gần 58 triệu kWh/ngày, vào những ngày đầu 4/2019. Bên cạnh đó còn có tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019.
Một lý do khác dẫn đến sự chênh lệch hóa đơn tiền tiện tháng 4 so với tháng 3 là số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 3 (28 ngày với trường hợp không bị ảnh hưởng lịch ghi chỉ số Tết Nguyên đán và 21 ngày với trường hợp chịu ảnh hưởng của lịch ghi chỉ số Tết Nguyên đán).
"Như vậy số ngày sử dụng điện nhiều hơn, lượng điện năng tiêu thụ tăng theo quy luật hàng năm cộng với việc giá bán điện điều chỉnh đã làm tổng số tiền điện tháng 4/2019 các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước", EVN HANOI lý giải.
Doanh nghiệp cố gắng cầm cự
Khó khăn hơn so với các hộ dân dùng điện sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất hay kinh doanh - dịch vụ còn lo lắng hơn do giá điện sản xuất - kinh doanh cao hơn đáng kể so với giá điện sinh hoạt. Mỗi doanh nghiệp đều có những cách khác nhau để tiết kiệm điện.
Theo tính toán, mỗi tấn thép công nghệ lò điện phải tốn khoảng 520 kWh. Giá điện tăng thêm 8,36% khiến giá thành sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp tăng lên khoảng 0,6%/tấn so với trước.
Để hạn chế thấp nhất tác động của mức giá điện mới, các doanh nghiệp thép phải sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ thấp điểm, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế nguồn nhiệt bên ngoài xâm nhập nhà xưởng.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam còn lo ngại giá điện tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp trong giá thành sản phẩm thép mà còn ảnh hưởng gián tiếp do tác động đến giá vật tư nguyên liệu và dịch vụ từ các nhà cung cấp.
Với một siêu thị tại khu vực Hà Đông (Hà Nội), trung bình một tháng tốn khoảng 600 triệu đồng tiền điện. Nay điện tính theo khung giá mới, mỗi tháng siêu thị sẽ tốn thêm vài chục triệu đồng.
Chi phí tiền điện cho việc bảo quản lạnh tại siêu thị rất lớn. Ảnh minh họa: Hoàng Dương
Đại diện của một siêu thị cho biết, lượng điện tiêu thụ trong siêu thị bao gồm các hệ thống làm lạnh, bảo quản đồ ăn, hệ thống điều hoà trên mặt bằng rộng toàn siêu thị. Hệ thống bảo quản đồ ăn theo đúng tiêu chuẩn nhiệt độ dù mùa đông hay mùa hè.
Các siêu thị sẽ thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí điện. Trước mắt, việc tăng giá hàng hóa chưa được tính đến mà sẽ tính toán điều chỉnh thời gian sử dụng điện hợp lý.
Còn đại diện Khách sạn Hilton Hanoi Opera nằm ngay trung tâm Hà Nội cho biết, để ứng phó với giá điện tăng, khách sạn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sử dụng điện năng như sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, giảm sử dụng điện khi không cần thiết. Tắt toàn bộ hệ thống bơm tại hồ bơi vào ban đêm, từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau; tắt hệ thống điều hòa tại nhà hàng Ba Miền khi không sử dụng vào ban đêm...
Riêng trong năm 2018, khách sạn đã thay thế được khoảng 2.000 bóng sợi đốt sang đèn compact và LED cho khu phòng khách, sảnh, phòng họp... giúp tiết kiệm điện đáng kể.