Còn nhớ hồi dịch bùng phát lần thứ hai vào giữa năm ngoái, Đà Nẵng là "tâm dịch", khi ấy Nguyệt cùng 2 cô con gái quyết "cố thủ" trong nhà. Những câu chuyện mà cô chia sẻ vói tôi khi ấy bao trùm nỗi sợ hãi, lo lắng. Nhưng bây giờ thì khác...
"Nửa đêm nay, em mới đi nhận mấy thùng cá từ Quảng Bình chuyển vô. Họ hẹn chiều qua giao, mà em chờ tới 2 giờ sáng họ mới gọi, vậy là đi. Vừa dắt xe bước ra khỏi nhà thì trời đổ mưa xối xả, nhưng không thể không đi được, vì để đến sáng cá hư hết trơn, trong khi bà con suốt mấy ngày rồi không có cá tươi để ăn, ai cũng ngóng. Một mình em đi giữa những con phố rộng thênh thang không một bóng người, mưa vẫn đổ xuống như trút. Đến gần 3 giờ sáng em mới về tới nhà, nước cá trộn lẫn nước mưa ngấm vô người, tanh tưởi không thể chịu nổi, thế là vội vã tắm, vội vã chợp mắt một xíu, đợi đến 5 giờ 30 mang cá đi phân phát cho mọi nhà. Ai nhận được cũng vui mừng ra mặt. Bản thân mình cũng cảm thấy vui...", Nguyệt kể.
Đặng Thị Thanh Nguyệt (45 tuổi, ngụ tại tổ 14 Phường Thanh Bình, quận Hải Châu), là nhân viên một doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng. Dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc doanh nghiệp ngưng hoạt động. Đến giữa tháng 8 vừa qua, chính quyền thành phố quyết định thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đấy". Đó cũng là lúc cuộc sống nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy.
"Trong bối cảnh như vậy, em nhận thấy mình có điều kiện và sức lực để đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch của cộng đồng, nên xin tham gia vào đội tình nguyện viên, làm ở tổ cung ứng lương thực thực phẩm tổ 14 phường Thanh Bình, quận Hải Châu ", Nguyệt kể.
Kể từ đó, ngày nào cô cũng dậy từ 5h30 sáng, khi "cả núi" công việc đang chờ ở phía trước. Đến mãi 11, 12 giờ đêm mới được ngả lưng. Căn nhà của cô được "trưng dụng" làm nơi tập kết hàng hóa, lúc nào cũng chất đầy những rau quả, thịt cá, sữa, trứng... Trong mùa cao điểm dịch, việc cung ứng và vận chuyển hàng hóa khó khăn, để có sớm nguồn hàng cho bà con, Nguyệt chủ động tự lái ô tô đi đến các đầu mối để nhận và chở hàng về.
Như con thoi không biết mệt mỏi, người phụ nữ ấy bươn bả trên những con phố vắng lặng, trời nắng cũng như trời mưa, không hề biết mệt mỏi.
"Những ngày dịch dã thế này, nhiều gia đình trở nên túng thiếu đủ bề. Ngoài nhiệm vụ cung ứng lương thực thực phẩm, em còn đứng ra đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm của Tổ 14 kết nối thông tin với các gia đình để nắm bắt tình hình. Hễ gia đình nào có nhu cầu gì thì sẽ thông báo trên nhóm Zalo, để ai có điều kiện thì chung tay giúp đỡ. Như bữa trước, khi nhận tin có một nhóm thợ xây bị kẹt lại, không có gì ăn uống hết, thế là anh em vận động mọi nguồn để có ngay gạo, nước, mắm muối giúp cho họ cầm cự qua ngày. Nhiều khi thấy có những hoàn cảnh rất đáng thương, mình muốn giúp nhiều hơn nữa, nhưng khả năng có hạn, cảm thấy như có lỗi với họ...", Nguyệt cho biết.
Chẳng vậy mà các gia đình trong khu phố, họ gọi cô với cái tên trìu mến: "Hoa hậu tổ cung ứng lương thực". Ngày ngày, họ mong chờ cô như trông chờ một người chị, người em thân thiết.
Những ngày này, khu vực quận Hải Châu, nơi gia đình Thanh Nguyệt sinh sống vẫn là "vùng đỏ", tiếp tục giãn cách tăng cường. Vì thế, Nguyệt cùng các "đồng đội" vẫn tiếp tục công việc của mình. "Dẫu vất vả, nặng nhọc, nhưng cảm thấy rất vui, vì qua công việc càng hiểu thêm ý nghĩa và giá trị của cuộc sống…", Nguyệt chia sẻ.