Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá mật ong từ Việt Nam

(Dân sinh) -Bộ Công Thương nhận được thông tin việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Ấn Độ, U-crai-na và Việt Nam.

Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ và Hiệp hội mật ong Sioux có đơn yêu cầu DOC điều tra về sản phẩm mật ong thô được phân loại theo mã của Hoa Kỳ là 0409.00.0005, 0409.00.0035, 0409.00.0045, 0409.00.0056 và 0409.00.0065.

Các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS và mô tả sản phẩm của Hoa Kỳ khi xuất khẩu.

Các quốc gia bị điều tra: Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam. Thời kỳ thu thập số liệu bán phá giá (POI): Từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 31 tháng 3 năm 2021.

Biên độ bán phá giá do DOC ước tính với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: Trong khoảng 47,56% - 138,23%. Dự kiến, thời gian điều tra là 12 tháng (có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Hoa Kỳ).

Hiện nay, DOC đã ban hành Bản câu hỏi về lượng và giá trị (Q&V) xuất khẩu để xem xét lựa chọn bị đơn bắt buộc. Thời hạn nộp Bản câu hỏi Q&V đến 17 giờ ngày 27/5/2021 (theo giờ Hoa Kỳ). DOC sẽ đưa ra thông báo lựa chọn bị đơn bắt buộc vào ngày 31/5/2021. Trên cơ sở lựa chọn bị đơn bắt buộc, DOC sẽ ban hành bản câu hỏi đầy đủ cho các doanh nghiệp và thời hạn trả lời là 30 ngày.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan cần hợp tác với DOC trả lời Bản câu hỏi Q&V. 

Các doanh nghiệp đã trả lời bản câu hỏi Q&V này nhưng không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc có thể nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ (separate rate). 

Trong các vụ việc trước đây DOC điều tra, nếu doanh nghiệp không trả lời bản câu hỏi Q&V thì không được DOC xem xét hưởng thuế suất riêng rẽ.

Đọc kỹ hướng dẫn của DOC để trả lời và nộp Bản trả lời câu hỏi theo đúng định dạng và thời hạn quy định. Việc chậm nộp so với thời hạn quy định hầu như không được DOC chấp nhận trong mọi trường hợp.

Thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.