Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hòa nhạc giáo dục mang vẻ đẹp âm nhạc cổ điển tới giới trẻ

Trên thế giới, hòa nhạc giáo dục đã được tổ chức dưới nhiều hình thức, song ở Việt Nam, hòa nhạc tích hợp sứ mệnh giáo dục vẫn còn rất mới mẻ.

Nghệ sĩ, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh hướng dẫn khán giả khám phá kiến thức cơ bản về âm nhạc cổ điển và những loại nhạc cụ trong dàn nhạc.

Nghệ sĩ, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh hướng dẫn khán giả khám phá kiến thức cơ bản về âm nhạc cổ điển và những loại nhạc cụ trong dàn nhạc.

Âm nhạc cổ điển khá trừu tượng nên lâu nay bị gắn mác là nhạc bác học, chưa gần gũi với đa số người yêu nhạc nước ta. Truyền cảm hứng, tình yêu với âm nhạc cổ điển thông qua các chương trình trải nghiệm đa dạng như hoà nhạc giáo dục, workshop... đang trở thành cầu nối, mang vẻ đẹp âm nhạc cổ điển chạm tới trái tim của công chúng Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Những “cây cầu” đặc biệt đưa âm nhạc cổ điển đến khán giả

Buổi hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland vừa được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội do Học viện Âm nhạc trẻ Việt Nam (Vietnam Youth Music Institute - VYMI) kết hợp cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức. Không giống như những buổi hòa nhạc khác, trước khi thưởng thức các tác phẩm âm nhạc, người xem được phát bộ tài liệu học tập, video giới thiệu về các tác phẩm tuyệt vời được chơi trong buổi diễn, đặc biệt là tác phẩm tiêu điểm: Carnival of the Animals (Lễ hội muông thú) của C. Saint Saëns. Xen giữa câu chuyện âm nhạc của các loài muông thú là phần diễn tả bằng lời được nhà giáo dục, nghệ sĩ Trang Trịnh đọc, giúp khán giả hiểu được ngôn ngữ trừu tượng của âm nhạc cổ điển. Trước mỗi bản nhạc, Trang Trịnh đều dẫn dắt khán giả tìm hiểu về nội dung bản nhạc, những biến đổi trong nhịp điệu của bản nhạc, hay các loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng và cách mà chúng vẽ nên một không gian kỳ diệu của âm nhạc.

Nghệ sĩ Trang Trịnh chia sẻ, để âm nhạc cổ điển đến được với mọi người cần phải có những “cây cầu” đặc biệt. Vì thế, không chỉ các nghệ sĩ biểu diễn mà những nhà giáo dục cũng có sứ mệnh giới thiệu âm nhạc qua việc kể những đoạn thơ ngắn, bóc tách nhạc cụ, thanh âm nhanh - chậm, to - nhỏ trong từng bản nhạc... Những trải nghiệm này sẽ giúp các bạn trẻ yêu nhạc dễ dàng nghe nhạc cụ “nói chuyện” với nhau.

5 nghệ sĩ dương cầm trẻ triển vọng được tuyển chọn biểu diễn Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland.

5 nghệ sĩ dương cầm trẻ triển vọng được tuyển chọn biểu diễn Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland.

Là một trong những nghệ sĩ trẻ được chọn biểu diễn, nghệ sĩ piano trẻ Võ Minh Quang chia sẻ: “Thông qua chương trình, em được biết thêm nhiều kiến thức về tác phẩm “Lễ hội muông thú” nói riêng cũng như âm nhạc cổ điển nói chung. Hơn nữa, em còn được rèn luyện thêm cách làm việc nhóm trong dàn nhạc, giao lưu, và chia sẻ về âm nhạc đến với khán giả thông qua buổi biểu diễn đặc biệt này”.

Pianist Nguyễn Hoàng Phương Thy cho biết, em rất hạnh phúc khi được biểu diễn trong sự kiện lần này. Thông qua màn trình diễn của mình, em mong mọi người thấy rằng âm nhạc cổ điển thực sự không xa vời, nó chính là những âm thanh, giai điệu rất gần gũi, quen thuộc và dễ hiểu.

Với pianist Aoto Yamaguchi, khi còn ở Nhật Bản, em đã có cơ hội hòa tấu cùng nhóm của mình và điều đó giúp em nhận ra tầm quan trọng cũng như sự hòa âm đồng điệu của các nhạc cụ trong dàn nhạc. Kể từ đó, chơi piano với một dàn nhạc trở thành ước mơ cháy bỏng của Aoto Yamaguchi. “Giờ đây, em đã chạm được tới nó. Em cảm thấy rất tuyệt khi được đứng trên sân khấu và hòa tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam”, Aoto Yamaguchi chia sẻ.

Qua chương trình hòa nhạc giáo dục, bà Jan Karlin cố vấn chương trình tin rằng, đây sẽ là sự khởi đầu của làn sóng lan tỏa tới cộng đồng. Ví dụ, những người lớn tuổi sau khi tham gia các buổi hòa nhạc có thể khuyến khích người trong gia đình theo học nhạc cụ hoặc tham gia các chương trình thường thức âm nhạc. Học nhạc, thưởng thức âm nhạc sẽ trở thành một trong những sở thích hữu ích và trang bị các kỹ năng đặc biệt.

Một bé gái đang trải nghiệm chỉ huy dàn nhạc trước sự hướng dẫn bước đầu của nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Một bé gái đang trải nghiệm chỉ huy dàn nhạc trước sự hướng dẫn bước đầu của nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Mang âm nhạc đến với học sinh tiểu học

Ðể tạo cơ hội cho các em học sinh được tiếp xúc và làm quen với việc cảm thụ, viết nhạc ngay từ nhỏ, nghệ sĩ, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh đã tiến hành một số dự án giáo dục âm nhạc thú vị. Ðầu năm 2022, Trang Trịnh và các thầy cô của VYMI đã mang âm nhạc tới 3 trường tiểu học tại Hà Nội và 3 trường tiểu học ở Anh. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chanson de Matin” (Bài ca ngày mới) của nhà soạn nhạc người Anh Edward Elgar, nghệ sĩ Trang Trịnh hướng dẫn các em ở Hà Nội sáng tác bài hát về buổi sáng theo cách riêng của mình. Sau đó, các em Việt Nam trao đổi bài hát do mình sáng tác tới các bạn cùng độ tuổi tại Anh. Các nhạc cụ piano, đàn cello, kèn trumpet, hay các thuộc tính của âm thanh như cường độ, cao độ, tưởng chừng là những khái niệm rất trừu tượng đã được các giảng viên đơn giản hóa, cô đọng lại và giới thiệu một cách sinh động để thu hút sự chú ý và niềm thích thú của các bạn nhỏ. Qua trò chơi âm nhạc này, có thể thấy khả năng tiếp nhận kiến thức mới của các em nhỏ rất nhanh. Ðó cũng là trải nghiệm mới mẻ và cần thiết đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em.

“Ðối với tôi, đây thực sự là một giấc mơ đã trở thành hiện thực. Tôi và nhà giáo dục âm nhạc Caroline Sharp (Vương quốc Anh) đã cùng nhau tạo nên một chương trình giảng dạy cảm thụ âm nhạc mang lại niềm vui, sự thấu hiểu văn hóa và tạo nên ý thức trân trọng âm nhạc đối với trẻ em.” - Trang Trịnh chia sẻ.

Trang Trịnh cũng tiết lộ, sắp tới chị có nhiều chương trình giáo dục miễn phí khác như giới thiệu nhạc cụ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

“Hòa nhạc giáo dục không chỉ hướng tới việc thường thức vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc, mà sứ mệnh lớn nhất là hướng tới mở ra cho mọi người ở mọi lứa tuổi cơ hội học tập, tìm hiểu, khám phá âm nhạc. Đây là điểm khác biệt và quan trọng trong tình hình xã hội hiện tại, bởi giáo dục nghệ thuật đang chỉ là một phần rất nhỏ trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.” - Bà Jan Karlin - người 2 lần đoạt giải Grammy cho biết.