Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Họa sĩ đặc biệt Trần Nam Long và tình yêu với phố cổ Hà Nội

Số phận lấy đi của Trần Nam Long khả năng nghe và nói, nhưng lại ban tặng cho cậu tài năng hội họa thiên bẩm, để em có thể cảm nhận vẻ đẹp lung linh sắc màu của cuộc sống bằng mắt và “nói” ra bằng tranh. Câu chuyện vượt lên nghịch cảnh của em chính là tấm gương sáng truyền cảm hứng không chỉ cho những bạn nhỏ mắc bệnh tự kỷ, mà còn cả với các bậc phụ huynh.

Người mẹ hết mực yêu thương, chắp cánh tương lai cho con trai - Họa sĩ Trần Nam Long.

Người mẹ hết mực yêu thương, chắp cánh tương lai cho con trai - Họa sĩ Trần Nam Long.

Từ hành trình theo đuổi ước mơ

Xuất thân trong gia đình lao động nghèo, sau một trận ốm nặng lúc 1 tuổi Trần Nam Long bị mất thính lực hoàn toàn. Vài năm sau, bố mẹ em lại nhận thêm tin sốc khi Long được chẩn đoán tăng động thể nặng. Không chỉ bị câm điếc, Long còn dị tật bàn chân bẹt khiến việc đi lại khá khó khăn. Nhưng thử thách chưa dừng lại ở đó, năm Long 11 tuổi, người bố đột ngột qua đời vì tai nạn. Và từ đó, mẹ em - chị Phùng Thị Hiếu phải một mình nuôi 2 con. Thời điểm “giông bão” ấy, ai cũng khuyên chị Hiếu đưa các con về quê sẽ dễ sống hơn. Nhưng nhìn vào cậu con trai không khỏe mạnh cần điều kiện nuôi dạy và chăm sóc tốt ở thành phố, người mẹ đã quyết tâm bám trụ lại Hà Nội. Nhà cửa phải đi thuê, chị tằn tiện nuôi hai con bằng đồng lương giúp việc để có thời gian  chăm sóc con trai nhiều hơn. Chị cũng theo học ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện với con.

Như thấu hiểu những vất vả của mẹ, Long rất ngoan, chịu đựng giỏi và bộc lộ năng khiếu hội họa. Em có thể vẽ bất cứ thứ gì một cách chính xác thông qua trí nhớ. Long đi lại khó khăn, nhưng mẹ đã trở thành đôi chân giúp em có thể bước ra ngoài. Chị Hiếu đã lặn lội tìm thầy chữa bệnh cho con rồi tìm thầy dạy con học vẽ. Theo học các lớp hội họa và nhận được sự giúp đỡ tận tâm của các thầy cô, khả năng thiên phú của Long càng được bộc lộ. Long rất chịu khó đi vẽ ký hoạ. Long có thể ngồi lỳ cả buổi để vẽ chính xác các chi tiết của kiến trúc, cây cối, đồ vật... trước mặt mình. Mẹ đã luôn sát cánh, rong ruổi cùng em trong các con hẻm, ngõ phố Hà Nội để Long say sưa ký hoạ.

Chị Hiếu thổ lộ, Long rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Ngày nào Long cũng vẽ. Và khi đã ngồi vào giá vẽ, Long chỉ biết có toan, bảng màu và những đường nét.

Ðể con trai có cơ hội hòa nhập cộng đồng và tiếp xúc với hội họa, đồng thời cũng để bản thân tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật mà con theo đuổi, chị Hiếu đã đưa Long đến các buổi họp nhóm, các cuộc triển lãm.

Long có sở thích đặc biệt với kiến trúc cổ kính của Hà Nội. Em đã vẽ hàng trăm căn nhà cổ và các khu tập thể cũ. Những bức vẽ của Long đặc tả kết cấu kiến trúc với tỷ lệ chuẩn xác cùng các chi tiết tỉ mỉ, nên không chỉ là tác phẩm hội họa mà còn là tư liệu quý lưu lại lịch sử kiến trúc của Thủ đô.

Những tranh Long vẽ về mùa thu Hà Nội, hoa cúc họa mi, cầu Thê Húc, gánh hàng hoa… vừa chân thật, vừa huyền ảo làm người xem rung cảm sâu sắc. Tranh của Long được nhiều người yêu thích. Tiền bán tranh cũng được em và gia đình chia sẻ làm từ thiện. Ðến nay, trải qua 3 lần phẫu thuật chân, tình trạng sức khỏe của Long dần được cải thiện.

Những bức tranh đẹp như ảnh chụp về góc phố Hà Nội tại triển lãm Phố xưa, hè cũ.

Những bức tranh đẹp như ảnh chụp về góc phố Hà Nội tại triển lãm "Phố xưa, hè cũ".

Đến triển lãm tranh cá nhân đầu tiên "Phố xưa, hè cũ"

Bước sang tuổi 18, tài năng trẻ Trần Nam Long đã có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên có tên "Phố xưa, hè cũ" vừa diễn ra tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội), mang đến nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người xem. Triển lãm giới thiệu hơn 50 tác phẩm sơn dầu và ký họa bút kim vẽ những con phố nhỏ của Hà Nội.

Những bức tranh đẹp như ảnh chụp về góc phố Hà Nội tại triển lãm Phố xưa, hè cũ.

Những bức tranh đẹp như ảnh chụp về góc phố Hà Nội tại triển lãm "Phố xưa, hè cũ".

Ngắm tranh của Long, người xem thấy được cả một Hà Nội xưa cũ đầy chất thơ với bao ký ức ùa về. Ðó là một Hà Nội bình yên, lãng mạn và thanh lịch qua những căn nhà trên phố cổ Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Trần Hưng Ðạo, hay dãy tập thể D14 Phương Mai, tập thể A12 Tôn Thất Tùng... Cây cối, hoa lá có mặt trong mọi bức tranh của Long, dù là một cái cây trơ trụi lá trước căn nhà phố hay những cây cổ thụ tỏa bóng duyên dáng cho các biệt thự cổ, những cây bụi, hoa lá nhỏ bé giăng cài các ban công "lồng chim", "chuồng cọp" các khu tập thể cũ đều mang đến vẻ đẹp hiền hòa, thuần khiết, tươi sáng. Mỗi người tìm thấy ở tranh của Long một cảm nhận riêng. Có người bị chinh phục bởi kỹ thuật "vẽ kiến trúc thượng thừa" như đánh giá của họa sĩ Lê Thế Anh, có người cảm động vì những vẻ đẹp thân thuộc được Long “bắt lấy” đưa vào tranh...  Các bức tranh trong triển lãm Long chỉ vẽ độc bản duy nhất và đều được các nhà sưu tầm sưu tập.

Tranh sơn dầu “Bên ô cửa” của Trần Nam Long.

Tranh sơn dầu “Bên ô cửa” của Trần Nam Long.

Họa sĩ Ðỗ Ðức khi xem tranh của Long rất kinh ngạc về kỹ thuật vẽ ký họa kiến trúc của em. Khả năng quan sát và thể hiện của Long như một kiến trúc sư, khiến người học vẽ chuyên nghiệp theo được cũng khó. Và hơn hết, tài năng này của Long không đơn thuần chỉ là kỹ thuật mà chính là khởi đầu của sáng tạo.

Thành công đầu tiên của Trần Nam Long trong hội họa là minh chứng cho nghị lực phi thường đã chiến thắng số phận. Tương lai hội họa của Long sẽ còn tiến xa như câu nói duy nhất về tương lai em nói với mẹ: "Con sẽ trở thành họa sĩ nổi tiếng!".