Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Sách Tết Kỷ Hợi 2019: Hồi sinh văn hóa đọc sách Tết

 
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam là một trong các họa sĩ tham gia minh họa sách Tết 2019.
 
Văn hóa đọc trở lại thú vui tao nhã ngày xuân
 
Chào họa sĩ Lương Xuân Đoàn, là một trong những họa sĩ tham gia minh họa Sách Tết Kỷ Hợi 2019, anh cảm nhận thế nào về nét đẹp của sách Tết qua nhiều thời kỳ xưa và nay?
 
Khi nhìn lại những ấn phẩm xưa, có thể thấy bây giờ các bạn trẻ đã làm được nhiều điều mới với cuốn sách Tết của người Việt đương đại. Mỗi một thập niên qua đi, thị hiếu, thẩm mỹ của người Việt cũng thay đổi. Một nét đẹp của ngày xưa các cụ để lại như một thú vui tao nhã đọc sách Tết, hay báo Tết, thì nay sau một vòng 60 năm, ấn phẩm sách Tết 2019 trở lại là một điều thú vị và cảm động. Điều đó cho thấy văn hóa của người Việt cùng những nét đẹp của Tết xưa chắc chắn không thể mất đi. Thế hệ trẻ bây giờ sẽ đưa thêm vào đó phong vị vừa ấm áp của truyền thống, vừa có cả sự sôi động, hối hả của xã hội đương đại. Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa cũng xê dịch và phải chấp nhận một thế giới tiếp tục “phẳng”, và văn hóa Việt cũng không thể đứng bên ngoài sự “phẳng” ấy của văn hóa nhân loại. Vì vậy, đây sẽ là tín hiệu vui đầu tiên cho văn hóa đọc khi trở lại một thú chơi tao nhã ngày xuân, và sẽ lan tỏa dần thành một thói quen mới, đó là có cuốn sách Tết.
 
Anh nhận xét thế nào về cuốn sách Tết đầu tiên trở lại sau 60 năm gián đoạn?
 
Đây là cuốn sách Tết đầu tiên trở lại - một ấn phẩm của nhiều tác giả góp sức mà thành, do Công ty Văn hóa Đông A và NXB Văn học liên kết xuất bản. Ngay từ trang bìa, tác giả Kim Duẩn đã lựa chọn mô típ của tranh dân gian Đông Hồ, mang lại cho chúng ta một chợ Tết đầy sức xuân trong những ngày giáp Tết. Cuốn sách đẹp từ ngoài vào trong, từ hình thức đến nội dung. Tôi cho đây là một nét đẹp mới của văn hóa Việt, đặc biệt là do các bạn trẻ làm nên.
 
Con mắt của các họa sĩ trẻ bây giờ có quan niệm khác, là cuộc cách mạng về thị giác, về thẩm mỹ rất lớn, chứ không phải là phong vị quen thuộc trong quan niệm về minh họa truyện ngắn hay thơ như những thập kỷ trước đây. Tôi cho đây là điều đáng mừng. Bên cạnh đội ngũ viết có tên tuổi, các họa sĩ minh họa cuốn sách cũng rất quen thuộc như Thành Chương, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Huy Long, Kim Duẩn… với nhiều cách thể hiện khác nhau, họ cùng góp sức để làm sống lại một không khí sách xưa.
 
Sách Tết Kỷ Hợi 2019 - Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết có nội dung phong phú, xoay quanh 8 chủ đề: văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ, góc nhìn, vĩ thanh, ghi lại những cảm xúc, suy tư, dấu ấn mang hơi thở của ngày hôm nay, đồng thời cũng khôi phục và lưu giữ các phong tục, hương vị Tết xưa của người Việt. Phần văn là tổng hòa của những cái Tết xưa và nay, từ miền quê đến chốn thị thành với “Tết quê” của Phan Cung Việt, “Ăn Tết với người lạ” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Nhớ một tết xa” của Ma Văn Kháng, “Ở đâu Tết cũng vui” của Nguyễn Trí..
 
 
Các nhà văn, nhà nghiên cứu, họa sĩ tham gia trong Sách Tết Kỷ Hợi 2019.
 
Thay đổi quan niệm về minh họa truyện ngắn, thơ

Theo anh, có sự thay đổi quan niệm về minh họa truyện ngắn, thơ như thế nào trong ấn phẩm sách, báo Tết?
 
Những ấn phẩm mang phong vị Tết toát ra từ từng truyện ngắn, từng bài thơ trữ tình lãng mạn được tuyển chọn, là gợi hứng cho họa sĩ vẽ tranh minh họa - những tranh mang giá trị độc lập riêng lẻ của tác phẩm đồ họa. Với sách Tết ngày xưa, các cụ gọi những bức họa xinh xắn là phụ bản Tết. Những tranh ấy được in rời và mọi người có thể mua báo Tết và lấy bức phụ bản ấy lồng trong khung kính treo trong nhà dịp ngày xuân. Sau này, báo Tết của chúng ta chỉ có tranh ở trên bìa, người đọc thích thì cắt ra trưng lên, chứ không phải là phụ bản tranh Tết nữa. Ngày xưa cũng có những cái thú vị như vậy, sau này có thể có những tranh minh hoạ trong sách Tết như cuốn poscard, những tờ rời để ai thích minh họa nào có thể lấy ra đặt lên bàn làm việc của mình, hay treo lên tường nhìn ngắm. 
 
Anh có lưu giữ những minh họa của sách, báo Tết không để có thể nhớ lại hương vị Tết xưa?
 
Tôi có thói quen cắt giữ những minh họa của các bậc họa sĩ tiền bối thời kỳ Đông Dương như: Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… và bây giờ lại có những thế hệ tiếp theo. Mỗi thời cũng có câu chuyện của thời đại mình và bản thân nhu cầu thay đổi thói quen, thay đổi thị hiếu cũng là nhu cầu chính đáng. Quan trọng là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… có đáp ứng được đòi hỏi ấy của công chúng hay không? 
 
Xin cảm ơn hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn.
 
Cách đây hơn 90 năm, Sách Xem Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân Thư Quán đã mở lối tiên phong cho thể loại sách Tết trong lịch sử xuất bản nước ta. Sách Tết mang lại cho độc giả tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện, lời thơ giải trí nhẹ nhàng, dí dỏm, đã trở thành cái lệ đầu năm. Nhưng từ năm 1958 không còn ấn bản nào mang tên sách Tết, để lại trong lòng người đọc một khoảng trống tinh thần - bâng khuâng, tiếc nhớ.

Việt Cường (thực hiện)/TC GĐ&TE