Lê Thiết Cương, một họa sỹ còn trẻ, rất tài năng và tranh vẽ đầy cá tính với nhiều thể loại và chất liệu. Đặc biệt, Lê Thiết Cương là bạn thân của nhiều nhà văn quen thuộc với độc giả hiện nay như Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Việt Hà…
Tranh của Lê Thiết Cương
Ở ta có một số họa sỹ, khởi đi từ họa sỹ, trong hành trình nghệ thuật của mình, có khi bỏ tranh, hoặc đồng hành với tranh, là chữ, nổi trội thêm một thiên chức nhà văn. Trong số ấy, có Đỗ Phấn, đã đàng hoàng là nhà văn, có tiểu thuyết được giải văn xuôi hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội. Có Lê Trí Dũng viết tạp văn rất thích. Có Đỗ Đức viết nửa báo nửa văn, rất sâu về văn hóa...
Và Lê Thiết Cương, độ năm, sáu năm nay, viết nhiều thể tạp bút, tạp văn mà đua được, chơi được với Nguyễn Việt Hà, Phạm Ngọc Tiến, Bảo Ninh… trong các mục văn nghệ của nhiều tờ báo lớn.
Đầu năm dương lịch, tháng 1/2017, Lê Thiết Cương ra mắt tập sách “Thấy”, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Tập sách là kết quả những cuộc chơi chữ của anh thời gian gần đây với những tản văn, tạp bút xinh xắn, sâu sắc, đề cập đủ mọi chuyện trong xã hội bây giờ, được báo chí rất chú ý và đặc biệt được bạn văn chương tán thưởng. Nhiều nhà văn đã chia xẻ anh như người bạn tâm giao.
Tháng 2/2017, Lê Thiết Cương lại có một cuộc chơi chữ mới, đó là Thơ Gốm. Đó là Triển lãm và ra cuốn sách cùng tên “Thơ Gốm” nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, 11/2/2017, bắt đầu từ 16g ngày 10/2/2017, tại Gallery 39, số 39A phố Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thơ Gốm Lê Thiết Cương
Triển lãm gồm 40 tác phẩm gốm do họa sĩ Lê Thiết Cương minh họa những câu thơ mà anh chọn của 40 nhà thơ Việt Nam như: Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Lưu Quang Vũ, Đào Trọng Khánh, Hoàng Trần Cương, Thuận Hữu, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Ngọc Thu, Vi Thùy Linh, Trần Hoàng Thiên Kim…
Đây là những tác phẩm gốm độc bản, do nghệ nhân làng Bát Tràng vuốt tay, nung bằng củi trong lò bầu truyền thống thay vì lò gas phổ biến hiện nay.
Viết và minh họa thơ trên gốm nhưng không nên hiểu minh họa theo nghĩa đen mà chính là chuyển ngữ câu thơ, bài thơ ấy sang một ngữ khác, ngữ - hội họa. Tức là để thơ trở thành hình, thành mầu, thành đậm nhạt, thành mảng, thành nét, thành bố cục… để thơ có thêm một đời sống khác, để người đọc có thêm một cách đọc khác, và để thơ được ở trong một không gian khác dài rộng hơn.
Các tác phẩm gốm trong triển lãm được in sách kèm lời giới thiệu của họa sĩ Lê Thiết Cương và lời bạt của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
Sách “Thơ Gốm” cùng với một số đầu sách khác do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế và minh họa trong những năm gần đây cũng sẽ trưng bày tại không gian Văn Miếu- Quốc Tử Giám trong ngày thơ Việt Nam.