Đó là một trong những mục tiêu trong Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2023 (kế hoạch).
Theo kế hoạch, trong năm 2023 Bộ Nội vụ sẽ bổ sung ít nhất một kênh số khác ngoài Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận phản ánh kiến nghị phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận tiện tương tác.
Đồng thời, nâng cấp Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi công nghệ sang IPv6 bảo đảm an toàn thông tin và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng.
Tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ để đạt ít nhất 80% hồ sơ dịch vụ công phát sinh trực tuyến và 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến; cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc lĩnh vực tôn giáo được cá thể hoá trong quá trình tiếp cận, thực hiện và trả kết quả; có Chuyên trang chuyển đổi số thường xuyên cung cấp, cập nhật tin bài về chuyển đổi số như công nghệ số, bài học kinh nghiệm.... với tần suất tối thiểu 1 tuần/1 lần phục vụ nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Đảm bảo 100% các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có dữ liệu dùng chung hiện có được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành Nội vụ thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP); đảm bảo 100% các thông tin tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương không sử dụng báo cáo giấy (trừ báo cáo mật) được tổng hợp trực tuyến qua trục liên thông dữ liệu LGSP, thông qua việc cấp tài khoản SSO của Bộ Nội vụ, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành.
Hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Đảm bảo 100% hệ thống thông tin sử dụng dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức; hoàn thiện nền tảng quản trị công việc tổng thể cho phép người sử dụng (tất cả cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ) đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ tệp tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ.
Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kiểm soát, cung cấp dịch vụ hạ tầng tối ưu với hiệu năng cao của các đơn vị trong Bộ.
Đưa vào khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ
Bảo đảm công bố dữ liệu đặc tả và số hóa đạt 50% tài liệu lưu trữ có tần suất sử dụng cao tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, không thuộc danh mục hạn chế sử dụng để tổ chức sử dụng trên môi trường mạng.
Đưa vào khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ và Trung tâm điều hành thông minh Bộ Nội vụ (IOC), tích hợp đầy đủ dữ liệu chuyên ngành Nội vụ phục vụ hỗ trợ, giám sát, chỉ đạo điều hành các hoạt động của Bộ Nội vụ trên cơ sở dữ liệu cập nhật tự động, thời gian thực.
100% văn bản trao đổi giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được ký số bởi chữ ký chuyên dùng trừ các văn bản có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước; 100% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn, bồi dưỡng phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản; 80% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn về an toàn thông tin.
Để hoàn thành được các mục tiêu cụ thể trên, Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng, dữ liệu số; nhân lực số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng.