Làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Pháp lệnh gồm có 6 Chương và 57 Điều, cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: (1) Người có công với cách mạng; (2) Thân nhân người có công với cách mạng; (3) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành. Theo đó, dự thảo đã làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quá trình soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của Bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Một số nội dung cụ thể, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Về chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ 3 trong dự thảo Pháp lệnh mà tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật.
Về bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá
Quá trình soạn thảo Pháp lệnh, có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung chính sách bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ tiếp thu, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung chế độ bảo hiểm y tế, chưa mở thêm chế độ trợ cấp mai táng và chính sách ưu đãi khác như người có vợ hoặc chồng liệt sĩ không tái giá; nếu có thì cũng chỉ tập trung vào những người thuộc diện hộ nghèo, đơn thân không nơi nương tựa.
Về công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình)
Theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân khi mà chết thì được xem xét công nhận liệt sĩ. Thực tiễn áp dụng quy định này, nhiều trường hợp chết đuối nước khi cứu người, cứu tài sản hoặc tham gia phòng, chống bão lũ, chết do tai nạn khi làm nhiệm vụ… dù rất cần phải tuyên dương, ghi nhận trong xã hội, song việc được công nhận liệt sĩ làm dư luận xã hội không đồng tình. Trong khi việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 132: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng).
Sau khi xem xét, Chính phủ sửa đổi tại Điều 14 của dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Về công nhận bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), Chính phủ đề nghị sửa đổi và quy định trong dự thảo Pháp lệnh như sau:
- Đối với các trường hợp là bệnh binh đang hưởng theo Pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng theo quy định.
- Không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công; trừ các trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Bệnh binh mới từ khi Pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực, hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho điều chỉnh, bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng và Quy định trong dự thảo Pháp lệnh về chi phí quản lý thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng 1,7% đã được thực hiện từ năm 1986 (kể từ trước khi ban hành Pháp lệnh 1994) hoặc quy định nguyên tắc trong dự thảo và giao Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định.
Ưu đãi người có công là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách xã hội
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh xuất phát từ những yêu cầu như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình và thấy rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm "thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước", "không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công" cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.
Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của dự án Pháp lệnh như dự thảo Chính phủ trình.
Dự án Pháp lệnh cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 59 của Hiến pháp năm 2013, đó là "Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước" và về cơ bản bảo đảm sự thống nhất với quy định của các luật, pháp lệnh có liên quan.
Về các vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Ủy ban thống nhất với giải trình của Chính phủ về việc chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm/nhiễm chất độc hóa học trong dự án Pháp lệnh mà "tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật và đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội", theo hướng "có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù, có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội".
Về bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng của liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác có đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng: Đa số ý kiến Ủy ban cho rằng để ghi nhận tình cảm, công lao, trách nhiệm của người vợ/chồng liệt sĩ tuy đã có chồng/vợ khác nhưng vẫn chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc bố mẹ liệt sĩ thì việc bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với vợ/chồng liệt sĩ tái giá là phù hợp. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước có thể bảo đảm được việc bổ sung chế độ vì số lượng nhóm đối tượng này hiện nay không nhiều, đa số cũng lớn tuổi. Do đó, Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Về điều kiện công nhận liệt sĩ
Đối với trường hợp "Đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội"): Đa số ý kiến Ủy ban tán thành với dự thảo Pháp lệnh, sửa đổi theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn, cụ thể: "Đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội" vì cho rằng, việc bổ sung tính chất công việc, hiệu ứng của hành động và nâng mức độ dũng cảm, cứu người, cứu tài sản, sẽ đảm bảo điều kiện chặt chẽ hơn, xứng đáng hơn.
Về một số trường hợp khác được xem xét công nhận là liệt sĩ: Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định các trường hợp với điều kiện cụ thể trong dự án Pháp lệnh để phân biệt thuật ngữ "từ trần" và "liệt sĩ", bảo đảm sự tôn vinh của Nhà nước và Nhân dân, đồng thời phòng ngừa việc lợi dụng chính sách.
Về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh
Trong Tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh theo hướng ghi nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với những bệnh binh được công nhận trước ngày Pháp lệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành; sau đó chỉ tiếp tục xem xét, công nhận bệnh binh đối với quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách.
Như vậy, điều kiện, tiêu chuẩn để công nhận là bệnh binh đã được điều chỉnh theo hướng quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm các đối tượng thực sự xứng đáng được Nhà nước, xã hội tôn vinh và hưởng chế độ ưu đãi. Về cơ bản, Ủy ban thống nhất với dự thảo vì quân nhân, công an nhân dân đều tham gia đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, khi các đối tượng này bị mắc bệnh, bị suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Pháp lệnh những nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách hoặc Chính phủ phải quy định chi tiết.
Ủy ban đề nghị giữ lại quy định tại khoản 3 Điều 23 của Pháp lệnh hiện hành vì thực tế vẫn còn tồn đọng hồ sơ công nhận bệnh binh đối với cán bộ, chiến sĩ chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế đã xuất ngũ về gia đình, nay bị rối loạn tâm thần có liên quan đến bệnh cũ làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
"Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, nâng lên pháp lệnh các quy định đã có tính ổn định; rà soát, đánh giá đối với các quy định dự kiến được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đảm bảo nguyên tắc chính sách, chế độ được điều chỉnh theo hướng tốt hơn đối với đối tượng thụ hưởng chính sách, có tính khả thi", Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nói.