Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây. Mặt khác, sửa đổi nhằm điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.
Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 6 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội gồm:
Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài
Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài các nhóm nội dung nêu trên, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu lao động trong công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện tốt trong thời gian qua.
Những mục tiêu dự thảo Luật sửa đổi hướng tới gồm:
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thông suốt và đồng bộ cho hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó có hành lang pháp lý quy định về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chặt chẽ, mang tính chất đặc thù.
Tiếp tục cải cách cách thủ tục hành chính, mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; loại bỏ, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; bổ sung các quy định cụ thể, rõ rành, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bảo đảm tương thích giữa pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan của các nước tiếp nhận lao động, các công ước quốc tế có liên quan đến lao động di cư.