Biết tận dụng sức mạnh của tình yêu thương thì sức mạnh ấy sẽ rất lớn
Hoàng Hoa Trung đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung ương Đoàn), Phó Trưởng ban Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Bắc.
Đi đến đâu, Hoàng Hoa Trung cũng tận mắt chứng kiến sự gian khó nhọc nhằn của trẻ em trên hành trình học tập. Qua thực tế nhiều ngày sống cùng bà con người Mông ở Mường Nhé (Điện Biên), Hoàng Hoa Trung mới lý giải được, tại sao trẻ em vùng cao hay bỏ học. Ý tưởng “Nuôi em”, “Sức mạnh 2000”… được hình thành các dự án không lâu sau đó, với mong muốn các em không bị đói khi đến lớp. Với cách làm hết sức cụ thể, mỗi cá nhân nhận nuôi một bé, bằng số tiền 150.000 đồng mỗi tháng họ đóng góp, bé được ăn bán trú tại trường. Tới nay, 40.000 học sinh miền núi đã được các mạnh thường quân nhận Nuôi em, đồng nghĩa các em được chăm chút hơn mỗi ngày.
Và nhiều dự án khác được thực hiện thành công tại nhiều tỉnh thành ở Bắc - Trung - Nam, và Tây Nguyên nhằm hướng đến tất cả trẻ em dân tộc đến trường không bị đói, xóa sổ toàn bộ trường tạm trên toàn quốc, xây những cây cầu kiên cố trên các tuyến đường cheo leo hiểm trở, xây nhà hạnh phúc, tủ sách bản cao, bếp đun tự sinh nước nóng giúp tạo ra nguồn nước nóng tự nhiên cho hơn hàng trăm trẻ tại các khu nội trú tắm trong mùa đông...
Nhìn lại cả quá trình làm tình nguyện, Hoàng Hoa Trung thấy rằng, dẫu cho ý tưởng luôn mới, nhưng điểm nhất quán từ ngày đầu cho đến nay, đó là Trung luôn dựa vào sức mạnh cộng đồng, tích tiểu thành đại, góp gió thành bão, tất cả đều từ chung tay góp sức của nhiều cá nhân. "Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của tình yêu thương thì sức mạnh ấy sẽ rất lớn và có thể lập nên kỳ tích" – Trung luôn nói với những cộng sự của mình điều tâm đắc đó.
Trung thân mến, điều gì là chìa khoá để em và nhóm Niềm Tin làm được nhiều thành quả đến vậy cho học sinh dân tộc ở nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước?
Hoàng Hoa Trung: Nhóm tình nguyện Niềm tin là một trong số ít các nhóm tư duy vào việc không đi "xin" mà sẽ trao đổi các giá trị tương đương. Ví dụ, bán một tấm thiệp handmade để thu về 10.000 – 20.000 đồng. Hay tự thu, gom bán ve chai để gây quỹ hơn 10 triệu đồng mua lợn, gà, thu gom và bán gốm hỏng lỗi tại Bát Tràng để bán thu về tới hơn 60 triệu đồng xây trường...
Từ sức mạnh của câu hỏi đưa đến kỳ tích xây trường, nuôi em…
Khi gặp khó khăn, có khi nào em chợt nghĩ chùn bước không, khi đó, Trung nghĩ tới điều gì để tăng sức mạnh vượt qua trở ngại?
Hoàng Hoa Trung: Mỗi khi gặp khó khăn, đầu óc em lại vang lên câu hỏi của nhà báo Tạ Bích Loan đã hỏi từ những năm đầu tiên đi xây trường: Làm thế nào để xây dựng nhiều hơn 1 điểm trường mỗi năm? Và thế là đầu óc em lại nảy ra rất nhiều ý tưởng mới để thực hiện. Sau này em mới biết, đó là một kĩ năng rất phổ biến tại các tập đoàn lớn, công ty lớn trên thế giới mà những lãnh đạo hay dùng để điều hướng, hướng dẫn các bạn nhân viên, gọi là "Sức mạnh của câu hỏi" hay "Câu hỏi quyền năng" chỉ cần có câu hỏi đúng, nó như một kim chỉ nam cho cả một con người, một cuộc đời.
Thử nghĩ xem, năm 2014, thời điểm em gặp chị Tạ Bích Loan, lúc đó cả dự án chỉ xây dựng thành công 01 điểm trường mỗi năm đã là rất khó khăn và nỗ lực, ai cũng nghĩ, mỗi năm xây dựng 1 điểm trường đã là tốt lắm rồi. Nào ngờ, khi gặp câu hỏi đó, số lượng trường cứ tăng lên 2 rồi 5 rồi 15, đặc biệt năm 2020 tăng lên 77 công trình và tới 2021 là hơn 100 công trình/năm. Sức mạnh câu hỏi đã giúp từ một đội nhóm nhỏ bé xây 1 công trình/năm thành 100 công trình/năm.
Làm được khối công việc đồ sộ như thế thì Trung sợ nhất điều gì nhỉ?
Hoàng Hoa Trung: Em sợ nhất câu nói: Khi nào giàu tôi sẽ làm từ thiện. Thật ra nhiều người bạn từ hồi 17 tuổi luôn có câu nói đó, dù tới giờ 30 tuổi, có chồng vợ, có con, có cả xe hơi nhưng... không ít người vẫn bảo chưa đi từ thiện, vì... chưa giàu. Thật ra, giàu có với mỗi người lại là quan điểm, góc nhìn, nhưng có nhiều người mỗi tháng góp 100.000 đồng dù không lớn không nhỏ nhưng đều đặn cho những việc thiện, và hàng nghìn người như vậy dẫu nhỏ bé thôi nhưng đã tạo ra nhiều điểm trường. Tính ra có 2.000 - 3.000 đồng mỗi ngày. Do đó đã tạo ra dự án "Sức mạnh 2000", nhận tiền lẻ quyên góp mỗi ngày, đều đặn, cứ như vậy sẽ xây dựng toàn bộ hàng trăm điểm trường tạm nhanh chóng, thậm chí còn cả hàng trăm cây cầu, nhà hạnh phúc…
Đi suốt làm việc thiện như vậy, bố mẹ Trung có ý kiến gì không và họ mong muốn điều gì nhất ở em trong hành trình thiện nguyện dài như vậy?
Hoàng Hoa Trung: Thật ra bố mẹ không phản đối khi em làm thiện nguyện, chỉ là bố mẹ lo lắng về sức khỏe khi đi nhiều, hay lo lắng con có chăm chỉ kiếm tiền, có mưu sinh được hay không. Song khi vẫn chứng minh được sự thật là mình vẫn khỏe mạnh, song song với việc tình nguyện cả ngày nhưng lại vẫn sắp xếp kiếm tiền được như bao người thì dần dần bố mẹ bớt lo lắng hơn. Khi lựa chọn học lập trình viên quốc tế, 19 tuổi em đã có thể đi làm kiếm tiền. Việc làm về công nghệ khiến em không cần phải tới cơ quan, công ty mà vẫn hoàn thành được công việc và nhận được lương. Mỗi khi bố em "mắng" hỏi em về thu nhập thì nó sẽ tăng từ 3 triệu (19 tuổi) lên 7 triệu (20 tuổi), hỏi một lần nữa nó tăng lên 11 triệu (21 tuổi), thêm một lần nữa hỏi thì nó đã tăng lên gần 20 triệu (22 tuổi) nên từ đó bố cũng an tâm hơn và cũng không quá can thiệp.
Bố mẹ hiện tại chỉ mong con luôn khỏe, sau nhiều năm thúc giục thì em đã "chịu thua" bố mẹ trong khoản lấy vợ và đã lập gia đình ở tuổi 30, còn giờ bố mẹ lại "giục" có đứa cháu (cười), nhưng em vẫn muốn tự do thêm 2 năm rồi mới có em bé và về chăm các cụ, vì bố đã hơn 75 tuổi. Và cứ ở đâu có mạng wifi là em vẫn làm được thiện nguyện.
Làm thiện nguyện cả đời, giống như một sở thích, một đam mê
Em có dự định làm tình nguyện cả đời không?
Hoàng Hoa Trung: Câu chuyện tình nguyện cả đời, nó giống như một sở thích, một đam mê, và bản thân vợ em cũng là một người trong đội tình nguyện (việc này em đã tính trước cả - cười). Tình nguyện có thể làm ở mọi nơi. Bản thân tình nguyện cũng giúp mình được đi lại khắp nơi, trải nghiệm nhiều điều mới. Với em tình nguyện không phải là "làm" mà nó là những thứ mình thích, em đã làm những thứ mình thích suốt 14 năm qua, thì giờ "có tuổi" hơn rồi thì tiếp tục làm những thứ mình thích thôi.
Các bạn trong team dần dần như những gia đình bạn bè thân thiết, dù có con cái, vẫn có thể làm tình nguyện (thậm chí dắt cả con theo) đó cũng là một cách giáo dục con cái và không gây trở ngại gì với tình nguyện cả. Miễn là còn trẻ em bản cao cần giúp về giáo dục thì cả đội nhóm sẽ còn tiếp tục.
Sau 14 năm lao tâm khổ tứ vì làm tình nguyện, được giúp đỡ cho càng nhiều những trẻ em nghèo vùng cao, em nghĩ là mình nhận được những giá trị gì lớn nhất ?
Hoàng Hoa Trung: Giá trị lớn nhất luôn là các trải nghiệm thực tế, và cả những sự nghiên cứu, tìm tòi để làm ra các dự án sao cho thành công. Thật sự như nhiều người nói, em bây giờ vứt ở đâu cũng sống được, vứt ở đâu cũng nhìn ra nguồn lực, vứt ở đâu cũng kiếm được rất nhiều tiền (cho bản thân và cả xã hội). Mắt nhìn tổng quan trong mọi tình huống của cuộc sống giúp dễ dàng nắm bắt, xác định và sắp xếp các công việc cần làm cho dự án và cuộc sống. Trò chuyện, tư vấn được rất nhiều khía cạnh, vấn đề cho các dự án. Các kĩ năng phát triển từ truyền thông, content, đồ họa, quản lý dự án, quản lý nhân sự, marketing, thiết kế website...
Xin cảm ơn Hoàng Hoa Trung, chúc em và nhóm Niềm tin sớm xóa hết các điểm trường tạm, và giúp cho mọi trẻ em vùng cao hạnh phúc khi đến trường.