1. Bác cho rằng báo chí cách mạng là vũ khí hàng đầu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng. Bác cảm nhận rõ tác dụng của báo chí khi đã thâm nhập vào quần chúng, làm thấu suốt nhận thức, sẽ trở thành một lực lượng có sức mạnh to lớn. Chính vì vậy mà những ngày đầu tiên khi đến nước Pháp, điều kiện sống kham khổ nhưng Bác rất muốn cho mọi người biết được tội ác của chủ nghĩa thực dân và những bất công của chúng ở Việt Nam cũng như các nước thuộc địa. Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, tuy vốn ngôn ngữ chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Bác tự học tiếng và học làm báo. Những ngày đầu, Bác được Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, làm việc ở báo Sinh hoạt công nhân nhiệt tình chỉ dẫn cách viết báo chí đơn giản. Lúc đầu viết 3 - 4 dòng, chép ra 2 mảnh giấy, một mảnh gửi cho báo, một giữ lại. Khi báo đăng mẩu tin đó, Bác đem so sánh xem sai, đúng thế nào để rút kinh nghiệm. Những bài viết của Bác bằng tiếng Pháp dần dài hơn, chuẩn hơn và được đăng. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn. Những bài viết của Bác đăng trên báo cánh tả là các báo ngân quỹ ít ỏi nên hầu như không có nhuận bút, nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần động viên rất lớn. Vì vậy, ban ngày Bác đi làm, tối tham gia mít tinh, biểu tình, vận động cách mạng, đêm lại cặm cụi viết báo. Cuối cùng Bác đã thành công với bài báo đầu tiên "Vấn đề dân chủ của bản xứ", đăng trên báo Nhân Đạo ngày 2/8/1919.
Sau đó (tháng 4/1922) Bác đã cùng các bạn chiến đấu cho ra đời tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria). Qua tờ báo, Bác Hồ đã viết trên 40 bài, chiếm 60% tổng số bài đăng trên báo. Nhờ kinh nghiệm đó Bác Hồ đã thành một cây bút kiệt xuất với hàng ngàn bài báo, viết cho cả trăm đầu báo.
Lúc đầu, khi cầm bút Bác tự nhủ: "Người ta chỉ cần viết những điều gì người ta thấy và cảm, bằng cách nắm lấy màu sắc và hoạt động của sự vật, như thế thì viết cũng không khó lắm", nhưng sau Bác kết luận:
"Chúng ta chống nói dài, viết rỗng, chứ không nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt. Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem".
2. Thời kỳ ở Trung Quốc, Bác tổ chức thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Người cùng Trung ương Hội cho ra đời tờ báo Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925. Bác là cây bút chính và linh hồn của tờ báo. Bác giải thích về cách viết báo: "Lối hành văn giản dị, chính xác hơn hẳn lối hành văn rườm rà, hoa mỹ… Tác phẩm để tuyên truyền phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được".
Năm 1941, sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, khi về Tổ quốc, Bác thành lập báo Việt Nam độc lập, nhằm "kêu gọi nhân dân, tất cả già, trẻ đoàn kết vững bền như khối sắt để cùng nhau cứu nước Nam ta". Người cho rằng tờ báo Đảng phải như những lớp huấn luyện đơn giản, thiết thực và rộng khắp. Báo phải dạy bảo, hướng dẫn người ta những điều cần thiết phải làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Với kiến thức uyên bác, văn phong lúc hóm hỉnh, khi thâm thuý, bằng những bài báo của Bác có thể thu phục mọi tầng lớp nhân dân, từ người học cao, nhiều chữ, đến đồng bào ít học.
Người luôn chú ý đến tính giản dị, thiết thực, hợp với trình độ quần chúng lao động. Bác nói: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số quần chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo". Người căn dặn những người làm báo: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được".
3. Bác đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo. Bằng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình, Bác tận tâm chỉ dẫn nghiệp vụ cho các nhà báo như một đồng nghiệp, một người bạn, người anh, người thầy. Ngày 17/8/1952, trong buổi nói chuyện tại trường Chính Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc, Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?" và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó. Bác căn dặn: "Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, "nói có sách, mách có chứng'", tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?".
Việc xác định đối tượng còn nhằm trả lời câu hỏi: Viết cái gì, có nghĩa là nhà báo phải biết lựa chọn cái gì nên viết, cái gì không nên viết. Bác coi tính trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp. Bác nói "không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn"; "chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết". Đấy là sự đòi hỏi về trách nhiệm nghề nghiệp mà trước hết là sự trung thực với những điều mình viết ra.
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà bấy giờ: "Bài báo thường quá dài, "dây cà ra dây muống", không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng…", "Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta…", "Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng…", "Thiếu cân đối: tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau…", "Lộ bí mật - có khi quá lố bịch…", "Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng…".
Bác khuyên nhà báo viết xong đưa cho những người xung quanh đọc và góp ý để sửa chữa. Bác còn yêu cầu nhà báo: "Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình phải phê bình một cách thật thà, chân thành đúng đắn".
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959) Bác dạy: Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản. Tu dưỡng đạo đức cách mạng . Phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình.
4. Dòng chảy báo chí Hồ Chí Minh là dòng chảy từ chính cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại của Người. Người làm báo, viết báo để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Trong cuộc đấu tranh đó có cuộc đấu tranh chống cái xấu, cái sai ở mỗi con người ở trong Đảng, trong tổ chức, trong dân tộc, để xây dựng cái đúng, cái tiến bộ, biểu dương cái tốt, việc tốt.
Bác là tấm gương mẫu mực về phong cách làm báo. Những lời dạy của Bác đối với người làm báo thật phong phú, bổ ích, không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau. Học tập cách làm báo của Bác, cũng như học tập tư tưởng đạo đức của Người để nâng cao nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp là trách nhiệm của mọi người làm báo. Cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là dịp để mỗi người cầm bút nghiên cứu thấm nhuần sâu sắc những quan điểm và đạo đức làm báo của Bác Hồ, không ngừng học hỏi để vươn lên.