Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Học Bác từ những việc làm cụ thể

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của những năm bôn ba, lăn lộn trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc. Người viết: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực; được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm 6 nội dung chính: (1) Phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; độc lập, tự chủ, sáng tạo; hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình; (2) Phong cách làm việc khoa học; có kế hoạch; đúng giờ; đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn; (3) Phong cách lãnh đạo tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đi đúng đường lối quần chúng, “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”; phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt; về phong cách nêu gương, Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; (4) Phong cách diễn đạt cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao; diễn đạt sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể; phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng; (5) Phong cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, biến hóa; vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách; (6) Phong cách sinh hoạt sống cần kiệm, liêm chính; sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông -Tây; tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.

Ngày 5/9/1954, trước khi về Thủ đô, Bác có bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ. Với câu nói trên, Bác khuyên thế hệ trẻ nói chung luôn hướng về cái tốt, học điều hay, không sa vào thói hư, tật xấu.


Ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền. Đồng thời Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan Trung ương có vinh dự lớn, nhưng cũng có trách nhiệm hết sức nặng nề là trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách tầm vĩ mô và tổ chức thực hiện. Trong mỗi công việc dù đơn giản hay quan trọng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là việc làm hết sức cần thiết, phù hợp nhằm xây dựng hình ảnh gương mẫu, tiên phong của người cán bộ ở các cơ quan Trung ương; góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước.

Học Bác từ mỗi việc làm cụ thể, trở thành nhu cầu tự thân, tự giác, phù hợp, học suốt đời. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan Trung ương thể hiện rõ thái độ của người cộng sản là nghiêm túc, nghiêm khắc, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gương mẫu trong xây dựng kế hoạch hành động cá nhân và thực hiện kiểm điểm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức lệch lạc, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; trung thực và trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cấp uỷ, mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người, thì nhất định Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, khắc phục được những nguy cơ của một Đảng cầm quyền, giữ gìn được bản chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng, tiếp tục được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Đảng ta sẽ có vinh dự lớn mãi mãi là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo sáng suốt và tin cậy của cả dân tộc Việt Nam.