Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Học nấu ăn giúp trẻ nhanh trưởng thành

Dạy con nấu ăn từ sớm không chỉ giúp phát triển kỹ năng sống tốt hơn mà còn giúp con trẻ độc lập hơn khi lớn lên. Nấu ăn cũng giúp trẻ biết trân trọng những giá trị của cuộc sống và chính bản thân mình.

Một bé gái nấu những món ăn dành tặng cha ngày Father's day - 18/6.

Một bé gái nấu những món ăn dành tặng cha ngày Father's day - 18/6.

Mới đây, trên một diễn đàn về ẩm thực, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (đang sống và làm việc tại Nhật Bản) đã chia sẻ hình ảnh con gái lớn Tuệ Nhi (8 tuổi) vào bếp nấu bữa sáng và tự chuẩn bị hộp cơm mang đến trường khiến nhiều người ngỡ ngàng, thích thú.

Chị Hoa cho biết, từ nhỏ con đã thích cùng mẹ nấu ăn và được chị dạy làm quen với các dụng cụ bếp. Lúc 2 tuổi, con biết rửa bát của mình sau khi ăn, 5 tuổi con bắt đầu biết cắm cơm cho mẹ. Hiện tại, Tuệ Nhi đã có thể nấu thuần thục 30 món ăn của Việt Nam và Nhật Bản.

Dạy cho con nấu ăn từ nhỏ, chị Hoa không hề đặt nặng con phải làm được gì, làm được bao nhiêu mà hoàn toàn nương theo sở thích cũng như sự phát triển của con.

Chị tâm sự, "mình dạy con không phải để bản thân được nhàn hạ, sung sướng mà vì chính con sau này khi bước ra đời biết tự chăm sóc bản thân mình chu đáo, biết quan tâm và sống có trách nhiệm với tập thể…”

8 tuổi, bé Tuệ Nhi có thể nấu được 30 món ăn khác nhau.

8 tuổi, bé Tuệ Nhi có thể nấu được 30 món ăn khác nhau.

Trên thực tế, việc dạy con nấu ăn từ nhỏ là điều khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Trẻ em luôn được cha mẹ khuyến khích và tạo điều kiện để phát huy tối đa khả năng nấu nướng. Điều này giúp trẻ biết cách tự chăm sóc bản thân và trân trọng các giá trị trong cuộc sống. Hàng năm, các cuộc thi tìm kiếm Vua đầu bếp nhí (từ 8 - 12 tuổi) luôn được tổ chức trên khắp thế giới như MasterChef Junior America, MasterChef Junior Australia, MasterChef Junior India… nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng và phát triển những tài năng ẩm thực trong tương lai.

Tại Việt Nam, MasterChef Junior Vietnam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016 đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của hàng triệu gia đình Việt. Những dịp như Mother's day (12/5) và Father's day (18/6) luôn là cơ hội để nhiều gia đình đăng tải hình ảnh những món ăn các con làm dành tặng cha mẹ, khiến nhiều người xúc động và cùng chia sẻ những lợi ích về giáo dục mà nấu ăn mang lại cho trẻ em như:

Vượt qua hàng ngàn thí sinh, Logan (12 tuổi) đăng quang Vua đầu bếp MasterChef Junior America năm 2014 và là một đầu bếp nổi tiếng ở thời điểm hiện tại.

Vượt qua hàng ngàn thí sinh, Logan (12 tuổi) đăng quang Vua đầu bếp MasterChef Junior America năm 2014 và là một đầu bếp nổi tiếng ở thời điểm hiện tại.

Giúp hình thành tính độc lập

Cha mẹ luôn mong muốn con mình sẽ trở nên độc lập, biết cách tự chăm sóc bản thân. Học nấu ăn chính là một trong những kỹ năng quan trọng để trẻ trở thành một cá nhân độc lập, tự chủ. Điều này sẽ giúp cha mẹ bớt lo lắng khi vắng nhà hoặc đi làm về muộn.

Rèn luyện trí nhớ

Trong quá trình nấu ăn, vốn từ vựng về thực phẩm trong trẻ sẽ dần tăng để thuộc tên các loại nguyên liệu. Quá trình rèn luyện này sẽ giúp khả năng ghi nhớ của trẻ tốt hơn và rất hữu ích trong quá trình học tập.

Giúp ghi nhớ mặt chữ và hiểu con số

Khi cho trẻ xem những công thức nấu ăn, đếm các loại thực phẩm sẽ giúp trẻ có khái niệm về chữ viết và ghi nhớ các con số trong toán học. Từ đó, giúp cho quá trình nhận thức trong học tập của trẻ dễ dàng hơn.

Nhận biết màu sắc tốt hơn

Màu sắc đa dạng của nguyên liệu, thực phẩm không chỉ giúp trẻ nhận biết, phân biệt được độ tươi ngon mà còn làm tăng sự cảm thụ về màu sắc một cách thuần thục. Thông qua màu sắc, trẻ có thể đánh giá tình trạng sản phẩm, gọi tên và phối trộn những màu sắc này một cách chính xác, nhất là khi trẻ vẽ tranh.

Khả năng xử lý tình huống

Trong quá trình nấu ăn sẽ có những tình huống phát sinh như: Khi bị bỏng tay thì phải làm gì? Khi thiếu nguyên liệu để làm món ăn thì có thể thay thế bằng nguyên liệu khác không?… Mỗi tình huống xảy ra sẽ cho con thêm những kinh nghiệm để ứng phó tốt hơn và tự tin khi vào bếp.

Rèn luyện kỹ năng vận động

Các thao tác cầm dao, kỹ năng cắt, gọt… trong nấu ăn sẽ giúp trẻ phát triển khả năng vận động. Sự khéo léo của bàn tay sẽ được gia tăng đáng kể khi trẻ được vào bếp từ nhỏ.

Nhận biết thực phẩm tươi ngon

Vào bếp cùng cha mẹ, trẻ sẽ dần học được cách đánh giá, nhận biết các loại nguyên liệu an toàn, thực phẩm tươi ngon thông qua niên hạn sử dụng, màu sắc và mùi vị của sản phẩm.

Tạo thói quen ăn uống lành mạnh

Nấu ăn sẽ giúp hình thành trong trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa. Trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon hơn với những thức ăn mình tự làm hoặc góp phần làm ra. Nấu ăn cũng giúp trẻ làm quen và ăn được nhiều loại đồ ăn khác nhau.

Biết trân trọng và tiết kiệm đồ ăn

Nấu ăn là cơ hội để trẻ sẽ hiểu giá trị của thực phẩm và công sức để tạo ra nó. Từ trải nghiệm thực tế này, trẻ sẽ biết trân trọng sức lao động của cha mẹ cũng như của bản thân khi làm ra món ăn. Khi có sự trân trọng, trẻ mới hình thành ý thức tiết kiệm, không chỉ trong đồ ăn mà còn là các tài nguyên khác.

Tăng gắn kết và yêu thương gia đình

Học nấu ăn là một cách để trẻ hiểu tầm quan trọng của bữa ăn gia đình. Cùng nhau vào bếp, chăm chút cho từng món ăn, bày biện đẹp mắt… chính là một cách vun đắp tình cảm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Nấu ăn cũng là điều kiện cho trẻ dễ dàng hình các mối quan hệ với mọi người xung quanh khi lớn lên.

Để công việc vào bếp thực sự mang đến lợi ích và an toàn cho trẻ, cha mẹ nên chú trọng những lưu ý an toàn: - Sắp xếp lại đồ dùng trong bếp sao cho phù hợp và an toàn với trẻ. - Tuỳ theo độ tuổi, cha mẹ nên trao đổi, hướng dẫn cặn kẽ để trẻ nhận biết được giới hạn các việc được làm và không được làm. - Hướng dẫn công việc từ dễ đến khó. - Hướng dẫn trẻ nhận biết nguy cơ mất an toàn và biện pháp xử lý. - Luôn theo dõi, nhắc nhở con tuân thủ các quy tắc an toàn trong bếp. - Lựa chọn các sản phẩm tẩy rửa như nước rửa chén bát, nước lau bếp, lau bàn an toàn và không gây kích ứng đối với trẻ.