Phụ huynh chạy vạy lo học phí đại học
Mặc dù, ngày 31/7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 300/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo nghị định (NÐ) sửa đổi, bổ sung một số điều của NÐ 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ÐT tiếp thu ý kiến đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo NÐ sửa đổi, bổ sung một số điều của NÐ 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ÐT, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí theo NÐ 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Quyết định dừng tăng học phí của Chính phủ giúp người học giảm gánh nặng chi tiêu. Tuy nhiên, việc không tăng học phí chỉ áp dụng trong năm học 2023 - 2024. Việc học đại học sẽ kéo dài từ 4 - 6 năm và các bậc phụ huynh cần chuẩn bị về tài chính để có thể đảm bảo con em mình có thể hoàn tất khóa học một cách thuận lợi.
Mặt bằng chung mức học phí tại các trường đại học công lập hiện nay dao động từ 10 - 70 triệu/ năm. Còn học phí tại các trường đại học dân lập thì cao hơn rất nhiều.
Chị Hồng Minh, một phụ huynh ở Hải Phòng vừa mới cho con lên Hà Nội nhập học Ðại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chị làm kế toán tại một doanh nghiệp nhỏ, thu nhập gần 9 triệu đồng/ tháng, chồng chị là kỹ sư công nghệ thông tin, thu nhập 15 triệu đồng/ tháng. Tổng thu nhập cả hai vợ chồng là 24 triệu đồng/ tháng. Ðối với một gia đình có hai con đều đang trong độ tuổi ăn học, phải khéo chi tiêu mới có thể đủ. Nay con chị nhập học đóng học phí một học kỳ gần 20 triệu đồng, chưa kể tiền thuê trọ, tiền mua đồ dùng sinh hoạt cho con. Hai vợ chồng chị phải giật gấu vá vai và đi vay mượn thêm họ hàng mới có thể cho con đến trường. Nghĩ tới còn hơn 3 năm học nữa con mới ra trường, chị Hồng Minh thực sự băn khoăn, lo lắng. Chị cho biết, vì mức học phí đại học quá cao mà không ít học sinh giỏi ở các vùng quê nghèo đã phải từ bỏ giấc mơ đại học để đi làm phụ giúp cha mẹ.
Thực tế là, học phí càng tăng thì cơ hội để các học sinh trong những gia đình bình thường khó có thể chen chân vào các trường đại học, và đối với các em học sinh nghèo thì ước mơ được đặt chân tới cánh cổng trường đại học lại càng trở nên xa vời.
Các trường đại học công lập cũng kêu khó khi hoãn tăng học phí
Trong khi các bậc phụ huynh chạy vạy lo học phí cho con thì các trường đại học cũng la oai oái vì năm học này phải tạm dừng việc tăng học phí. Học phí đại học không tăng kể từ năm 2020 vốn đã khiến cho nhiều trường đại học gặp không ít khó khăn.
Thực hiện theo NÐ 81, từ đầu năm 2023, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí năm học 2023 - 2024 dự kiến tăng từ 10 - 20% so với năm học 2022 - 2023. Nay quyết định hoãn tăng khiến nhiều trường kêu khó.
Trong khi đó, mọi chi phí đều tăng như lương cơ bản (tăng từ ngày 1/7/2023), tiền chi cho giảng viên tăng do quy chế chi tiêu mới, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị... khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn. Ðặc biệt, các trường công lập thực hiện tự chủ là khó khăn nhất (dù mấy năm qua, nhiều trường đã tăng học phí theo lộ trình của NÐ 81) vì không có nguồn thu từ ngân sách (hoặc rất ít).
Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Hoàng Minh Sơn cho biết, học phí chiếm tỉ trọng 50% - 90% nguồn thu của các trường, năm học 2023 - 2024 không tăng học phí là thách thức lớn đối với các trường đại học công lập.
Học phí không được phép tăng, các nguồn thu khác quá ít và không đáng kể, trong khi ngân sách nhà nước quá thấp, các trường đại học khó có thể phát triển, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giữ chân giảng viên giỏi.
Nhiều giảng viên các trường đại học công lập danh tiếng cho biết, để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, họ vừa dạy chính quy, vừa dạy tại chức, chăm chỉ viết báo cáo, tham luận gửi các hội nghị, hội thảo, thậm chí phải làm thêm các công việc như bán hàng online, bán bảo hiểm, tư vấn cho doanh nghiệp… Một số có ý định chuyển nơi làm việc sang các đại học dân lập và tư thục mới thành lập bởi ở đó mức lương hấp dẫn hơn.
Tăng học phí là xu hướng chung của các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau đại dịch, kinh tế nhiều quốc gia rơi vào khó khăn, Việt Nam không nằm ngoài khó khăn chung đó. Quyết định hoãn tăng học phí của Chính phủ được cho là một quyết định nhân văn và kịp thời, nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn mà các gia đình đang phải đối mặt, tuy nhiên nó cũng đặt ra không ít thách thức cho các trường đại học.
Trước sau gì thì học phí đại học công lập cũng sẽ tăng, cũng đã đến lúc các bậc phụ huynh và học sinh cần có những cái nhìn mới về giáo dục đại học: Con có nhất định phải học trường đại học đó không? Liệu học xong con có xin được việc làm ngay không? Cha mẹ và con có thể làm gì để giảm bớt gánh nặng học phí đại học: Con nên vừa học vừa làm, ở ghép, hay chọn một trường đại học gần nhà để không phải mất tiền thuê trọ…? Nếu không học đại học thì con sẽ học gì, làm gì: Học nghề, đi làm hay kinh doanh khởi nghiệp?