Đây là năm học quan trọng, đóng vai trò là năm bản lề, để chuẩn bị nhân lực, vật lực triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm sau.
Tại Hà Nội, trời không mưa, học sinh mặc đồng phục, tự đạp xe, hoặc được bố mẹ đưa đến trường đón khai giảng. Với các trường công lập, buổi lễ bắt đầu lúc 7h30, kéo dài khoảng một tiếng với các nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước và nhiều tiết mục văn nghệ.
Khác với những năm trước, lễ khai giảng năm nay ở thủ đô được tổ chức gọn nhẹ, chú trọng việc tổ chức đón học đầu cấp. Nhiều trường như Thăng Long, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, đã không thả bóng bay, thay vào đó là thả chim bồ câu, viết mong ước đầu năm học lên hạc giấy, trang trí lớp học.
Trong buổi lễ này, Cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, cho biết, toàn trường kêu gọi mọi người hành động bảo vệ môi trường với thông điệp chính là loại bỏ rác thải nhựa, nylon trong trường học. Ngay sau lời kêu gọi, Cô Minh đánh hồi trống khai giảng năm học mới trong tiếng vỗ tay của học trò.
Sự thay đổi này một phần xuất phát từ lá thư kêu gọi không thả bóng bay trong lễ khai giảng nhằm bảo vệ môi trường. Hình ảnh thày trò trường Tiểu học Ngô Quyền và THCS Ngô Nguyền tưng từng khai giảng năm học mới
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng năm học 2019-2020 được tổ chức trên cả nước vào sáng 5/9, đây cũng là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Thực tế nửa tháng trước đó, học sinh nhiều trường ở Hà Nội đã bắt đầu năm học mới; học sinh TP HCM tựu trường từ ngày 19/8.
Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 22,3 triệu học sinh, tính cả giáo dục mầm non, tăng khoảng 400.000 so với năm học trước. Bậc đại học chính quy có hơn 1,5 triệu sinh viên. Số lượng giáo viên cả nước là hơn 1,148 triệu.
Thành phố Hà Nội có đông học sinh nhất cả nước, với khoảng 2 triệu, tăng 40.000 so với năm trước; kế đó là TP HCM hơn 1,7 triệu, tăng 75.400, tập trung tại một số quận, huyện có tốc độ đô thị hoá cao (7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi).
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, số lượng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố là hơn 370.000, tạo áp lực lớn cho ngành giáo dục. Sĩ số học sinh vượt cao so với chuẩn, nhiều nơi quy mô 40-50 em. TP HCM xây mới và đưa vào sử dụng hơn 1.200 phòng học nhưng vẫn không theo kịp nhu cầu học 2 buổi một ngày, lớp bán trú. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp.