Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Học sinh nói với ông Đinh La Thăng về nỗi lo bị xâm hại

Lo ngại tình trạng bạo lực học đường và lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng phức tạp, học sinh TP Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo thành phố có biện pháp ngăn chặn.

 

Ngày 4/2, gặp gỡ lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành đầu xuân Đinh Dậu, các học sinh ở Sài Gòn đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng... về những vấn đề đang gặp phải.

Một nữ sinh của trường THCS Trần Quốc Toản (quận 9) tỏ ra lo lắng về nạn quấy rối tình dục ngày càng lan tràn hơn, với nhiều biểu hiện, hành vi khác nhau. Lấy dẫn chứng bản thân và nhiều bạn cùng trang lứa từng bị xâm hại tình dục, nữ sinh nói rằng "không biết nói với ai, luôn trong tâm trạng bất an".

"Các cô chú cần có những biện pháp mạnh mẽ, sâu sắc hơn để bảo vệ bạn gái nói riêng và học sinh nói chung trước tệ nạn này", nữ sinh nói, giọng xúc động.

Còn Đinh Thị Bích Phương (học sinh THCS Nguyễn Văn Phú, quận 9) nêu thực trạng bạo lực học đường cũng có xu hướng gia tăng ở mọi cấp học. Phương cho hay, nhiều vụ đánh nhau của các bạn ở trường xung quanh không có ai can ngăn mà còn quay clip đưa lên mạng.

"Chứng kiến những vụ việc đó chúng em rất lo lắng, không yên tâm học hành. Con mong các cô chú lãnh đạo ngăn chặn kịp thời", Phương đề xuất.

 

hoc-sinh-sai-gon-bay-to-lo-ngai-xam-hai-tinh-ducMột nữ sinh nêu kiến nghị với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

 

Cùng quan tâm đến vấn đề này, nhiều học sinh cho rằng việc dạy và học các kỹ năng phòng vệ trước bạo lực học đường, hoặc bị xâm hại, còn quá ít. Rất nhiều em chưa biết cách tự bảo vệ.

"Nhiều chương trình dạy kỹ năng chưa hiệu quả, học sinh chưa áp dụng nhiều. Ngay cả chương trình giáo dục giới tính mà nhiều trường chưa có lớp học, trong khi cha mẹ tụi em thường rất ngại ngùng chỉ bảo", Trần Phan Bảo Ngọc (học sinh THCS Nguyễn Du, quận 1) lên tiếng.

Trong khi đó, Trần Mai Quỳnh Anh (học sinh THCS Nguyễn Hiền) chia sẻ sự lo lắng khi năm qua rộ lên thông tin "bắt cóc trẻ em ngay trong trường học".

Ngoài ra, hàng chục đại biểu đại diện cho hơn 1,4 triệu học sinh TP  đã kể cho lãnh đạo thành phố nghe những bức xúc về tình trạng kẹt xe, xe buýt kém chất lượng, ngập nước, ý thức tham gia giao thông và bảo vệ môi trường kém của nhiều người.

Đinh Hồ Đoan Nghi (trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Bình Chánh) thường xuyên đi tuyến xe buýt 22 và cảm thấy lo sợ khi xe đến đoạn đường xấu. "Có lúc em cảm thấy bánh xe như là rơi ra ngoài", Nghi kể.

Đinh Tố Linh (trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận) kể, nhiều người lớn ra đường không chấp hành luật giao thông, chở ba bốn người trên xe máy. "Người lớn như vậy thì làm sao làm gương cho chúng em được?", nữ sinh bức xúc.

 

hoc-sinh-noi-voi-ong-dinh-la-thang-ve-noi-lo-bi-xam-hai-1Lãnh đạo TP HCM trao đổi với đại diện học sinh thành phố. Ảnh: Mạnh Tùng.

 

Nhìn nhận những phản ánh của học sinh là chính xác, ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, các chương trình dạy kỹ năng phòng vệ trong nhà trường dù đã triển khai được 5 năm nhưng mới đạt 40% số lượng trường.

Chương trình giáo dục giới tính đã được đưa vào chương trình nhiều năm nay. Song, với những kết quả chưa mong muốn, Sở sẽ nghiên cứu để áp dụng các hình thức giảng dạy dễ hiểu, gần gũi hơn.

Ông Sơn cho biết sẽ phối hợp với Công an TP HCM tổ chức thêm các lớp dạy kỹ năng tự vệ cho học sinh, đồng thời có những biện pháp chặt chẽ, kịp thời hơn trước nạn bạo lực học đường.

Về vấn đề giao thông trước cổng trường và xe buýt như học sinh nêu, ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP HCM) nói sẽ cử người đi kiểm tra và khắc phục ngay. Riêng tuyến xe buýt số 22, trong quý 2 năm nay sẽ được Sở Giao thông thay mới để phục vụ người dân và học sinh tốt hơn.

 

hoc-sinh-sai-gon-bay-to-lo-ngai-xam-hai-tinh-duc-2Ông Đinh La Thăng phát biểu trong buổi gặp gỡ sáng nay. Ảnh: Mạnh Tùng.

 

Lắng nghe gần 30 học sinh chia sẻ, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành liên quan phải thực hiện đúng lời hứa, giải quyết rốt ráo những đề xuất của các em.

Ông Thăng cho rằng, lãnh đạo thành phố cần sâu sát những vấn đề nhỏ nhất trong trường học như: thùng rác cho học sinh phải sạch sẽ, trồng nhiều cây xanh trong sân trường...

"Phải tiếp tục chăm lo đến sự phát triển của trẻ em một cách đầy đủ, toàn diện hơn, không chỉ kiến thức mà phải là kỹ năng sống. Phải quan tâm hơn đến những em yếu thế trong xã hội", ông Thăng chỉ đạo.

Với vấn đề an toàn cho học sinh, giao thông công cộng, giảm tải chương trình học... ngoài việc thực hiện, ông Thăng đề nghị các sở, ngành phải có phản hồi, giải trình công việc với học sinh, thiếu nhi thành phố.

"Nhân đây, tôi cũng mong thiếu nhi, học sinh tham gia giám sát công việc của lãnh đạo thành phố để chúng ta làm tốt hơn việc chăm lo cho các em", người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị.