Trải nghiệm hoạt động vui vẻ và bổ ích, học sinh khắc sâu kiến thức
“Học mà chơi - Chơi mà học” luôn là một trong những cách dạy học hiệu quả, phù hợp với học sinh Tiểu học. Tại Trường Thực hành sư phạm - Trường Ðại học Vinh, cấp Tiểu học đã tổ chức chuyên đề dạy học “Học thông qua chơi” đối với môn Toán lớp 3 và môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2.
Ở tiết Tự nhiên và Xã hội, cô giáo đưa các nội dung kiến thức và kĩ năng muốn truyền tải cho học sinh thông qua thực hành đóng kịch, tổ chức trò chơi “Bé giỏi việc nhà”, các hoạt động nhóm diễn ra sôi nổi, học sinh được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động vui vẻ và bổ ích để đạt được mục tiêu bài học. Các hoạt động vui chơi được lồng ghép khéo léo khiến các em học sinh vô cùng hào hứng và sôi nổi tìm hiểu bài.
Ở tiết Toán, cô giáo cũng vận dụng chuyên đề “Học thông qua chơi” ở trò chơi khởi động “Ghép hình”. Củng cố kiến thức cho học sinh với trò chơi “Ai nhanh, ai đúng” và “Chia kẹo”. Các em học sinh có cơ hội được trải nghiệm theo hoạt động nhóm, tự tìm ra các cách chia thành các phần bằng nhau trên một mô hình cụ thể. Thông qua các trò chơi vui nhộn, những trải nghiệm thú vị, nhiều nội dung tưởng chừng khô khan của bài học “Một phần mấy” được các bạn nhỏ lớp 3 tiếp thu một cách dễ dàng, vui vẻ.
Có thể nói “Học thông qua chơi” đã góp phần phát triển nhận thức, cảm xúc, kĩ năng sáng tạo, kĩ năng phát triển xã hội và phát triển thể chất cho học sinh. Các tiết học bổ ích này đã đem đến cho các em những khoảnh khắc vui vẻ, tiếp thu bài học chủ động và khắc sâu kiến thức.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với học sinh tiểu học, chơi là cách học tập hứng thú, có ý nghĩa, thúc đẩy sự tham gia tích cực, tạo nhiều cơ hội trải nghiệm và tăng cường tương tác xã hội. Không chỉ là trò chơi và các hoạt động vui chơi, những hoạt động Học thông qua chơi là sự lĩnh hội một cách tiếp cận mới về việc học của học sinh. Giáo viên tiểu học tổ chức hoạt động “Học thông qua chơi” có thể góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, khơi dậy trí tò mò và hỗ trợ học sinh phát triển những kỹ năng thiết yếu.
Xu hướng của giáo dục hiện đại cùng triết lý lấy người học làm trung tâm, thế hệ trẻ được chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện. Hướng tiếp cận giáo dục học thông qua chơi được triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu này. Dự án "Lồng ghép học thông qua chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam" (iPLAY) được VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ) phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo nhằm mục đích đưa phương pháp giảng dạy Học mà chơi vào quá trình dạy học thực tế ở các trường tiểu học hiện nay.
Dự án được thực hiện tại Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Ðà Nẵng và TP.HCM. Ở các địa phương, Dự án đã thực hiện các lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ sở, phòng Giáo dục và Ðào tạo, cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên cốt cán các trường tiểu học. Không chỉ riêng tại 8 tỉnh, thành phố trọng điểm, Dự án cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho đại diện toàn bộ 55 tỉnh, thành phố cả nước để nhân rộng hướng tiếp cận giáo dục này.
Giúp cha mẹ học sinh nâng cao nhận thức về học thông qua chơi
“Học thông qua chơi” tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm đa dạng loại hình chơi, đảm bảo các em được học thông qua hoạt động vui vẻ, hứng thú. Ðồng thời, thúc đẩy học sinh tham gia tích cực, tương tác xã hội giữa học sinh và học sinh, học sinh và giáo viên. Bên cạnh đó, dành cho học sinh có nhiều cơ hội thử nghiệm, tìm ra nhiều cách để giải quyết vấn đề với nội dung học tập có ý nghĩa nhằm kết nối kiến thức, trải nghiệm sẵn có của các em với nội dung mới cũng như áp dụng những gì đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Ðể học sinh phát triển toàn diện, bên cạnh nhà trường, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục các em. Vì thế, sở, phòng Giáo dục và Ðào tạo cùng trường học tại từng địa phương đã nỗ lực giúp cha mẹ học sinh nâng cao nhận thức về “Học thông qua chơi”.
Cụ thể, hoạt động tuyên truyền “Học thông qua chơi” đã được lồng ghép trong các sự kiện kết nối với cha mẹ học sinh: Chuỗi ngày hội "Học thông qua chơi" tại các trường tiểu học; 20.100 buổi họp phụ huynh với sự tham gia của 365.711 cha mẹ học sinh lớp 1, 2, 3 tại 810 trường tiểu học trên toàn quốc. Qua đó, cha mẹ có thể nhìn nhận cởi mở hơn về khái niệm "chơi" và trở thành người bạn đồng hành cùng con trên hành trình khai phá phẩm chất và năng lực cá nhân.
Cha mẹ được hướng dẫn, khuyến khích tham gia các hoạt động “Học thông qua chơi” cùng con tại nhà để giúp con phát triển toàn diện về nhận thức, sáng tạo, cảm xúc, xã hội và thể chất. Theo đó, VVOB đã biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dành riêng cho các bậc phụ huynh, trong đó, hướng tiếp cận “Học thông qua chơi” được cụ thể hóa thành các hoạt động đơn giản, gần gũi để cha mẹ áp dụng dễ dàng và linh hoạt.
Việc lồng ghép “Học thông qua chơi” vào các buổi họp phụ huynh và tổ chức Ngày hội Học thông qua chơi dành cho cha mẹ học sinh đã hỗ trợ các bậc phụ huynh hiểu một cách đúng đắn để có cách giáo dục con phù hợp, hiểu được mong muốn của con để tạo nên sự hứng thú trong các hoạt động, từ đó gần gũi với con hơn và thấy được sự thay đổi tích cực của con từng ngày.
Chị Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang tâm sự: "Khi triển khai “Học thông qua chơi”, mình có thể học hỏi các hoạt động ở trường để tổ chức cho các con ở nhà. Như vậy con sẽ hứng thú hơn".
Ðồng hành cùng cha mẹ học sinh trong quá trình lan tỏa học thông qua chơi, thầy Huỳnh Thế Nhã - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Chính Nghĩa, TP.HCM - phấn khởi vì những tín hiệu khả quan: "Khi lắng nghe ý kiến của cha mẹ về những giờ “Học thông qua chơi” của các em, tôi rất vui khi mô hình này được áp dụng đúng thời điểm để các em hào hứng hơn khi học".
Dự kiến đến cuối năm 2023, “Học thông qua chơi” sẽ tiếp cận hơn 14.695 trường tiểu học, 230.000 giáo viên, 681.000 học sinh và 1,4 triệu cha mẹ trên toàn quốc. Ðồng thời, hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả, vì một thế hệ công dân Việt Nam bản lĩnh, tiến bộ và có ích cho xã hội.