Nhiều khi “khoanh tay đứng nhìn” lại chính là cách cha mẹ giúp trẻ trưởng thành. Ảnh minh họa: Internet
Có nên giúp con giải quyết các rắc rối?
Khi con bị điểm kém, bạn sẽ làm gì? Có người ngay lập tức cho con đi học thêm cô giáo, có người thuê gia sư về nhà dạy con, có người bớt chút thời gian của bản thân để kèm cặp con, có người ngay lập tức ra hiệu sách tìm mua các loại sách bổ trợ cho con, có người thì trách mắng con nặng nề, nhưng cũng có người âm thầm đến gặp riêng cô giáo để xin nâng điểm cho con... Sẽ có rất nhiều kiểu phản ứng khác nhau của các bậc phụ huynh, nhưng mục đích tựu chung lại đều để con sẽ không còn bị điểm kém nữa. Đấy là cách người lớn chúng ta xử lý vấn đề. Nhưng chúng ta đang làm thay con, đáng ra việc khắc phục hậu quả của việc học kém là việc của trẻ. Tại sao bạn không thử hỏi con: Theo con, bây giờ con sẽ làm gì để cải thiện kết quả học tập? Hãy lắng nghe các đề xuất của trẻ. Những đề xuất này có hợp lý không, nếu chưa, bạn có thể gợi ý hoặc bổ sung. Cha mẹ chỉ nên đưa ra các đề xuất khi trẻ không có ý tưởng gì khả quan. Và khi đưa ra những đề xuất này, bạn và con cần có sự đồng thuận, không nên ép buộc trẻ làm những việc mà trẻ không thích. Nếu quan điểm của trẻ và bạn khác nhau, nên từ từ giải thích cho trẻ hiểu, nếu trẻ không hiểu, hãy chấp nhận để trẻ được quyền làm theo ý thích của mình ít nhất một lần để trẻ tự nhận thức được bài học và điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Một ví dụ khác về việc cha mẹ đã làm thay cho con, đó là khi con và bạn ở lớp có bất hòa, nhiều cha mẹ ngay lập tức đến gặp bạn đó để hỏi cho ra nhẽ, hoặc họ sẽ đến gặp thầy cô để tìm cách giải quyết khúc mắc. Khi con còn là một đứa trẻ, bạn có thể đứng ra phân xử và giảng hòa giúp con, vậy khi con đã trưởng thành, chúng gặp những bất hòa với bạn bè, đồng nghiệp ngoài xã hội, bạn sẽ tiếp tục đi theo chúng để giảng hòa? Rõ ràng, đó là điều không thể.
Những rắc rối nho nhỏ trẻ gặp phải từ lúc còn bé chính là bài học để chúng đúc kết kinh nghiệm và tự mình trưởng thành hơn sau này. Khả năng đàm phán và xử lý của trẻ nhiều khi tốt hơn bạn tưởng, có điều khả năng ấy đôi khi đã bị cha mẹ vô tình triệt tiêu từ trong trứng nước.
Chị Minh Hương – một bà mẹ có cô con gái nhỏ 3 tuổi kể rằng: Có một hôm, con chị về nhà rất buồn bã, lý do là bạn Mít hàng xóm không chơi với con nữa. Khi chị hỏi tại sao, con bảo do con tự tiện lấy đồ chơi của bạn mà không hỏi nên bạn dỗi. Chị Hương có giải thích cho con hiểu, việc tự tiện lấy đồ đạc của người khác là không tốt, và nếu con xin lỗi bạn, mọi chuyện sẽ được hóa giải. Chuyện tưởng “nhỏ như con thỏ” nhưng đến 3 ngày sau, tình hình vẫn “chiến tranh lạnh” vì bé con nhà chị nhất định không xin lỗi bạn. Thay vì thúc giục con phải xin lỗi bạn, chị Hương mặc kệ để xem tình hình sẽ thế nào. Và rồi, 1-2 hôm sau, chị lại thấy đôi bạn trẻ ngồi chơi búp bê vui vẻ cùng nhau. Chị Hương hỏi nhỏ con: Bạn Mít hết giận rồi à? Con gái chị bẽn lẽn kể, con xin lỗi bạn thế là bạn hết giận ngay. Bạn bảo thực ra bạn không muốn giận lâu như thế đâu, nhiều hôm bạn muốn rủ con sang chơi, nhưng vì hôm trước bạn mắng con nên bạn sợ con còn giận, bạn không dám rủ. Chuyện trẻ con nhiều khi cứ để tụi trẻ tự giải quyết, vì thường cách trẻ con giải quyết mâu thuẫn đơn giản và hiệu quả hơn cả người lớn.
Thất bại để trưởng thành. Ảnh minh họa: Internet
Trẻ thụ động do sợ thất bại
Người ta cứ phàn nàn thế hệ trẻ ngày nay thụ động, chỉ thích “ăn sẵn”, không dám thử thách bản thân, nhưng, đã có khi nào bạn tự hỏi, bạn có cho con cơ hội được thất bại và khi con gặp thất bại hay khó khăn, bạn đã dạy chúng những gì để vượt qua những vấn đề này.
Nhiều cha mẹ Việt không để con chơi dưới đất vì sợ bẩn, không để con nấu cơm vì sợ nấu hỏng, không để con rửa bát vì sợ làm vỡ, không để con tự đi xe đạp đến trường vì sợ ngã… Một môi trường sống hoàn toàn “tiệt trùng” chưa hẳn đã tốt cho sức khỏe của trẻ. Theo Giáo sư Jack Gilbert, Giám đốc Trung tâm vi sinh vật thuộc Đại học Chicago (Mỹ), bụi bẩn và các loại vi khuẩn chính là những tác nhân cần thiết để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ. Nghịch bẩn không hẳn đã là điều xấu, ngược lại, đấy là cách để trẻ nhỏ khám phá tự nhiên.
Làm nhiều quen tay, nếu trẻ không nấu nhiều lần sao có thể có được một bữa cơm ngon. Làm vỡ vài cái bát quan trọng hay việc trẻ biết cách rửa bát sạch sẽ quan trọng? Khi con còn nhỏ, bạn có thể đưa đón con đến trường nhưng đến tuổi học sinh THPT mà cha mẹ vẫn cứ phải ngày ngày đưa đi đón về thì vô cùng bất tiện cho chính bạn và cho cả con. Hãy hướng dẫn con để con tự đi trên chính đôi chân mình, không chỉ với việc đi lại đơn thuần mà trong tất cả những việc sau này.
Nhiều trẻ sợ thất bại nên không dám đương đầu với thử thách, sợ thất bại nên không dám bước ra khỏi vòng tròn an toàn. Nỗi sợ này nhiều khi đến từ chính cha mẹ trẻ. Những đứa trẻ như thế thường không biết làm thế nào để đối mặt với những việc ngoài dự tính, trong khi thực tế cuộc sống thì càng ngày càng phức tạp và biến đổi khôn lường. Đừng sợ thay trẻ, hãy cung cấp cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh tồn và trưởng thành, còn việc trải nghiệm như thế nào là việc của trẻ.
“Có rất nhiều bậc phụ huynh luôn bao bọc, che chở cho con cái ngay cả khi trẻ đã lớn khôn chỉ vì lo sợ con va vấp. Những bậc cha mẹ này không biết được rằng họ đang cướp đi của con cơ hội được trải nghiệm nỗi buồn khi thất bại, cơ hội được suy ngẫm về nguyên nhân gây nên thất bại của bản thân để rồi từ đó nghĩ ra giải pháp khắc phục và vượt qua thất bại ấy. Có thể nói, họ đã tự tay nhổ đi hạt mầm trưởng thành của con cái mình” - diễn giả nổi tiếng về phát triển kĩ năng giao tiếp và năng lực con người của Nhật Bản Kishi Hidemitsu.
Thanh Huyền/TC GĐ&TE