Ngày 24/11, đoàn cán bộ do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đến thăm Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế), Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh, Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội Phú Đức, Trung tâm cai nghiện Bố Lá (thuộc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh), Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 (thuộc Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh).
Các học viên tại Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh được học xóa mù chữ, nâng cao trình độ
“Mỗi tuần, học viên được chọn tuần tới ăn món gì. Mỗi chủ nhật, trung tâm sẽ trích quỹ hoạt động sản xuất để nấu chè cho học viên ăn. Những trường hợp cai nhiều lần, nhiều tiền án tiền sự thì chúng tôi cắt cử cán bộ có kinh nghiệm nắm bắt tâm lý và phối hợp với gia đình sâu sát vận động học viên yên tâm cai nghiện”, ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đức Hạnh cho biết.
Đặc biệt, trung tâm có một phòng dành riêng cho hai học viên là người chuyển giới. Đại, tên thường gọi là bé Nhi cho biết: “Trước khi vào đây, tụi em rất lo lắng, không nghĩ là được bố trí phòng riêng vì trên giấy tờ, tụi em vẫn mang tên là nam”.
Do đặc thù tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá là những người có nhiều tiền án, tiền sự, kinh nghiệm trốn trường nên trung tâm đã ban hành nội quy, quy chế khen thưởng, kịp thời rà soát các vật gây sát thương, bén nhọn trong phòng, xây dựng học viên nòng cốt để kịp thời nắm bắt tình hình học viên; có quy định cụ thể cho thân nhân thăm nuôi nhằm tránh thẩm lậu chất cấm vào cơ sở. Ngoài ra, trung tâm còn lắp đặt dàn karaoke, dựng hòn non bộ để học viên giải trí.
Còn tại Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 (huyện Phú Giáo, Bình Dương), không khí chuẩn bị cho buổi biểu diễn “Liên hoan văn nghệ niềm tin cuộc sống lần 9” đang diễn ra khẩn trương.
Tham gia biểu diễn văn nghệ, bạn H., sống ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở Nhị Xuân chia sẻ rất hào hứng khi sắp trình bày một ca khúc. Anh vốn có năng khiếu ca hát vì từ nhỏ đã tham gia đội kịch Tuổi Ngọc.
H. Kể đã từng nghiện hơn 10 năm và đang làm nghề chụp ảnh. Công việc ổn định nên H. Không thiếu tiền để chơi thuốc nhưng kể từ khi lấy vợ, H. có con, nên quyết tâm tự đăng ký đi cai nghiện.
“Vợ tôi cũng không hay là tôi nghiện cho đến khi tôi đăng ký đi cai. Trước đó, tôi nghĩ cai nghiện rất kinh khủng vì tôi từng tự cai sống rất nhiều lần nhưng đều không thành. Vào đây được cán bộ làm công tác tư tưởng vào những lúc yếu lòng, rồi cộng với anh em cùng cảnh động viên nhau, tôi lại vượt qua”, H. kể.
Sáng cùng ngày, đoàn đã ghé thăm Bệnh viện Nhân Ái (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), hiện đang nuôi dưỡng và chăm sóc 309 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, trong đó có một số bệnh nhân từ các trung tâm cai nghiện. Nhiều bệnh nhân đã mất liên lạc với người thân. Nơi đây đã trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của họ. Không chỉ có những bác sĩ, điều dưỡng gắn bó nhiều năm ở trung tâm, chúng tôi còn bắt gặp những y sĩ, điều dưỡng tuổi đời còn rất trẻ và chưa lập gia đình.
Tốt nghiệp Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế, nay là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chị Hoàng Thị Sim không quản ngại rời thành phố về vùng quê heo hút chăm sóc những người bệnh đang níu kéo sự sống từng ngày. Tại đây, chị bén duyên cùng người bảo vệ cũng tại bệnh viện nhờ sự đồng cảm trong công việc với nhau.
Trong năm nay, bệnh viện đón nhận tin vui khi sắp khánh thành khu nhà ở công vụ gồm có 40 phòng cho gia đình cán bộ ở, trong đó có bố trí nhà trẻ cho con em học tập để các cán bộ yên tâm công tác.
Một lớp học điện gia dụng tại Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh
Hai người chuyển giới (phải) được quan tâm bố trí phòng ở riêng biệt
Các học viên Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá đang miệt mài đan ghế
Các học viên Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 đang hào hứng chuẩn bị buổi biểu diễn văn nghệ
Các điều dưỡng tận tâm chăm sóc các bệnh nhân
Khu nhà công vụ phục vụ cán bộ chuẩn bị khánh thành vào tháng 12.