Ông Bùi Xuân Hồng ở Thái Nguyên, viết thư tuyệt mệnh trước khi truy sát gia đình em gái.
Những hành vi thú tính khó hiểu
Cái quan trọng nhất của con người là cuộc sống. Vì cuộc sống của người thân, nhiều người không tiếc công sức, tiền bạc. Chúng ta đã chứng kiến nhiều người bán hết mọi thứ trong nhà, thậm chí bán cả nhà để chạy chữa, mong giữ lại cuộc sống của người thân. Ấy vậy mà có những người khỏe mạnh, thậm chí là đáng kính lại hung hăng cướp đoạt mạng sống của những người thân quen rồi tự hủy hoại mạng sống của mình. Đây quả là những hành vi thú tính khó hiểu.
Những lời khai và những lá thư của ông Bùi Xuân Hồng (63 tuổi, truy sát gia đình em gái ở Thái Nguyên) chứng tỏ ông cũng đã suy nghĩ, vật vã trước khi đi đến quyết định giết người, sau đó tự sát. Đã từng làm phó giám đốc một xí nghiệp, ở tuổi 63, ông Hồng tỏ ra khỏe mạnh, hiểu biết và ffang có khát vọng sống bên cạnh người thân. Thế mà ông đã mua phần đất cho mình an nghỉ và quyết tâm giết người. Lý do là ông đã bị con rể của em gái lừa đảo vay 3 tỷ đồng rồi không trả. Chính thái độ nhơn nhơn của người vay tiền không trả khiến ông Hồng tức giận đến mức không thiết sống nữa.
Còn chàng thanh niên Giàng A Dông (SN 1996, quê tỉnh Điện Biên) cũng đã nghĩ sẽ tự tử sau khi giết người yêu cũ. Chỉ có điều anh thanh niên này còn giết cả những người khác nữa không hề có quan hệ với anh.
“Hội chứng” truy sát đã trở nên vô cùng nguy hiểm
Thời gian gần đây, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều vụ giết người hàng loạt. Có vụ đi ăn trộm bị phát hiện nên “giết người diệt khẩu”, có vụ chỉ vì tranh chấp vài mét đất, có vụ chỉ mâu thuẫn vì là hàng xóm của nhau, có vụ vì vay không trả, có vụ vì tình ái… Nghĩa là có rất nhiều loại sự việc có thể dẫn đến hành động truy sát của một hay nhiều người.
Việc truy sát đã trở thành “hội chứng” trong xã hội ta, chúng xẩy ra khá thường xuyên. Những kẻ làm việc này lại không phải là dân xã hội đen, không phải là những người càn quấy; họ là những người bình thường, thậm chí là đáng kính. Vậy cái gì khiến họ trở thành những kẻ giết nhiều người?
Có lẽ họ là những người tâm lý không ổn định. Họ cũng là những người không đánh giá đúng giá trị của cuộc sống; với họ, sống và chết cũng không có gì ghê gớm. Ở đây chắc chắn có sự tác động của phim ảnh và trò chơi trên mạng Internet. Người ta đưa lên phim ảnh quá nhiều chuyện giết người để trả thù.
Cuối cùng, tôi băn khoăn tự hỏi: “Liệu có sự tác động của truyền thông hay không?”, vì cứ sau khi truyền thông phản ánh chi tiết về một vụ truy sát thì lại xẩy ra vụ mới.
Cần nghiên cứu kỹ và không để “hội chứng” truy sát tiếp diễn.
Nghè Nghệ/TC GĐ&TE