Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres và một số khách mời đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp.
Hỗ trợ phát triển cho phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới phụ nữ và trẻ em nhất là trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình.
Tổng Thư ký đánh giá cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong ứng phó với đại dịch, bày tỏ thất vọng khi phụ nữ chỉ chiếm tỷ lệ 7% lãnh đạo ở các nước, sự tham gia của phụ nữ trong các đoàn đàm phán vẫn còn thấp, trong khi đó chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu là 1,9 nghìn tỷ đô la, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký nhấn mạnh cần cắt giảm quân sự hóa, thúc đẩy bao trùm, bình đằng và ngăn ngừa xung đột; cho rằng các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần coi bình đẳng giới là biện pháp quan trọng để xây dựng lòng tin và gắn kết xã hội.
Các nước thành viên HĐBA nhất trí cho rằng Nghị quyết 1325 về WPS có ý nghĩa vô cùng quan trọng và nhấn mạnh các nước cần xoá bỏ các rào rản đối với phụ nữ trong lĩnh vực hoà bình, an ninh;
Song song, nghiêm túc thực hiện đầy đủ và toàn diện các trụ cột của chương trình nghị sự WPS ở cấp quốc gia và khu vực; kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính cho phụ nữ, trẻ em gái ở các nước chịu ảnh hưởng của xung đột.
Các nước cũng đồng thời chia sẻ các biện pháp và kinh nghiệm như nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, tăng cường đào tạo về chống bạo lực tình dục cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng và hỗ trợ phát triển cho phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.
Việt Nam luôn coi trọng vai trò của phụ nữ
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc hoan nghênh những tiến bộ trong thực hiện Nghị quyết 1325 và các nghị quyết liên quan.
Để thúc đẩy việc thực hiện chương trình nghị sự WPS, Đại sứ kêu gọi các nước ủng hộ Lời kêu gọi của Tổng Thư ký về ngừng bắn toàn cầu và chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở mọi nơi trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Đại sứ cho rằng, cần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột, phòng ngừa xung đột, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hòa bình, khôi phục và tái thiết sau xung đột.
Các nước cần xóa bỏ các rào cản và định kiến đối với phụ nữ trong các nỗ lực gìn giữ và xây dựng hòa bình, đảm bảo rằng phụ nữ tham gia đầy đủ với tư cách là đối tác bình đẳng từ những giai đoạn sớm nhất trong mỗi và mọi tiến trình hòa bình và chính trị.
Đại sứ kêu gọi cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cần tiếp tục cung cấp tối thiểu 15% vốn ODA cho các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác và sự điều phối hiệu quả của LHQ.
Nhân dịp này, Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của phụ nữ và nêu các thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này.