Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam lên tiếng vụ hàng chục phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc

Sau vụ lùm xùm hàng chục phi công đồng loạt xin nghỉ việc, mới đây, Tổng công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) đã có văn bản khẩn thông báo từ 1/6/2018, VNA bắt đầu áp dụng các chế độ mới cho toàn tổng công ty.

Theo văn bản, mức lương của giáo viên kiểm tra năng định (DPE), giáo viên năng định (TRI) và phi công đều được điều chỉnh tăng so với thời điểm trước đó. Đối với DPE, mức lương dao động 210 - 297 triệu đồng, TRI lương 198 - 284 triệu một tháng. Phi công thì mức lương được phân chia thành 3 mục theo những dòng máy bay mà hãng này đang khai thác.

Với phi công lái máy bay B787 và A350, cơ trưởng mức lương từ 205 - 246 triệu đồng, còn cơ phó là 124 - 150 triệu đồng. Nhóm phi công lái A321, cơ trưởng sẽ được nhận 176 -236 triệu đồng một tháng, cơ phó là 100 - 134 triệu. Còn phi công lái ATR, cơ trưởng sẽ được trả 159 - 186 triệu đồng một tháng, cơ phó là 75 - 91 triệu đồng.

Theo các phi công, sau khi trừ thuế và các nguồn thu nhập khác, lương của một cơ trưởng từ 125 - 135 triệu đồng/tháng, còn cơ phó là khoảng 65 - 75 triệu đồng/tháng. Thế nhưng cùng là cơ phó, cùng giờ bay, thì các hãng khác có thể trả tới 150 - 160 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo của VNA vào đầu tháng 5/2018, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: PV

Theo báo cáo của VNA vào đầu tháng 5/2018, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn
và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: PV

 

Đại diện nhóm phi công của nộp đơn xin nghỉ việc tại VNA cho biết, mấu chốt sự việc do môi trường làm việc không đảm bảo, có sự áp bức, chế độ đãi ngộ của các phi công Việt Nam quá thấp so với phi công nước ngoài cùng năng lực.

Đáng lưu ý, theo thông tin Báo Gia đình & Xã hội nhận được, dù đã có quyết định tăng lương, tuy nhiên, cơ trưởng / giáo viên kiểm tra bay/ Đội trưởng Đội bay A350 - Đoàn bay 919 cũng vừa có đơn xin từ chức lý do bản thân không có đủ tự tin đảm nhận chức vụ hiện tại do những thắc mắc của phi công về việc thiếu minh bạch trong chính sách và tài chính trong VNA kéo dài…

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, TS. Nguyễn Đăng Minh, Ủy viên BCH TW Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam cho biết: “Phi công là một ngành đặc biệt do vậy nhà tuyển dụng bao giờ cũng đưa ra những điều kiện khắt khe. Việc ký hợp đồng lao động là hai bên được phép trong phạm vi giới hạn quy định của pháp luật. Trường hợp không có ràng buộc khác thì bắt buộc thực hiện theo đúng Luật lao động. Tức là, người lao động có thể thông báo cho người sử dụng lao động khi muốn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động là 45 ngày”.

Cũng theo TS Minh, trong ngành hàng không có một số thứ phải hơi khác với công việc xã hội bình thường. Để đào tạo được một phi công hoặc tìm ra một phi công khác dễ dàng thay thế là rất khó khăn. Do vậy, khi ký hợp đồng ban đầu, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một số điều khoản ràng buộc với phi công để tránh tình trạng phi công đơn phương chấm dứt hợp đồng.

So sánh thu nhập bình quân của ba hãng hàng không tại Việt Nam.

So sánh thu nhập bình quân của ba hãng hàng không tại Việt Nam.

 

“Đối chiếu với mức lương của phi công Việt Nam so với phi công của một số nước trên thế giới thì thu nhập của phi công VNA không cao. Tuy nhiên nếu so sánh với lao động ở các ngành nghề khác thì thu nhập của phi công Việt Nam không phải là thấp”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đại diện Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam không đưa ra bình luận về việc gần 60 phi công của VNA nộp đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, vị này cho rằng, Bộ GTVT cần sớm làm rõ để chấm dứt tình trạng này. Thực tế, việc khiếu kiện của nhóm phi công đã diễn ra từ năm 2015 đến nay nhưng các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung.

Được biết, phi công luôn trong danh sách top 3 nghề nguy hiểm nhất thế giới (con số thống kê tại Mỹ năm 2016 cho thấy tỷ lệ tử vong lên tới 64/100.000 lao động). Dù vậy, đây vẫn công việc được nhiều người ưa thích nhờ mức lương cao, cuộc sống tiện nghi và được hoạt động tại một trong những môi trường chuyên nghiệp nhất thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người Việt được nhận vào vị trí điều khiển máy bay thương mại như vậy không nhiều, bởi những yêu cầu về thể chất, bằng cấp cũng như nền tảng tài chính là khá khắt khe.

Cho rằng bị áp bức, bóc lột, nhóm phi công đang làm việc tại VNA đã làm đơn cầu cứu, xem xét các văn bản trái luật gửi lên Chính phủ. Ảnh: Hoàng Hà

Cho rằng bị áp bức, bóc lột, nhóm phi công đang làm việc tại VNA đã làm đơn cầu cứu,
xem xét các văn bản trái luật gửi lên Chính phủ. Ảnh: Hoàng Hà

 

Cụ thể, theo các chuyên gia - Tiêu chuẩn để học viên có thể theo học một khóa phi công cơ bản là đủ 18 tuổi (tối thiểu tốt nghiệp phổ thông trung học). Tại một số nước, yêu cầu được cấp quyền bay quốc tế là ứng viên phải có bằng đại học chính quy.

Trình độ tiếng Anh để được tham gia các khóa học tối thiểu là IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 71. Tuy vậy, một số trường đào tạo yêu cầu tiêu chuẩn tiếng Anh lên tới IELTS 7.0 hoặc TOEFL iBT 80.

Một số yêu cầu cơ bản khác về ngoại hình bao gồm chiều cao, cân nặng khá tương đương với tiếp viên, như từ 1,6m với nữ và 1,65m với nam, nặng tối thiểu 48 kg với nữ và 54 kg với nam.

Những tố chất về thể lực với người muốn theo học bằng phi công cũng khá khắt khe. Không có tật ở mắt được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Các nhà tuyển chọn sẽ loại ngay những ứng viên bị cận thị, loạn thị, mù màu, nhằm đáp ứng yêu cầu về tính an toàn khi quan sát và thực hiện đúng các hướng dẫn trên bảng điều khiển dày đặc ở buồng lái.

Thu nhập bình quân phi công tại các nước khu vực Asean.
Thu nhập bình quân phi công tại các nước khu vực Asean.
 

Trong thời gian đào tạo, học viên phải trải qua nhiều bài kiểm tra về tiền đình, thể chất, thần kinh, áp lực... Thời gian cho các khóa học cơ bản có thể kéo dài tới một vài năm, sau đó chuyển sang các khóa đào tạo riêng về từng loại máy bay.

Sau 6 - 8 tháng làm việc, phi công sẽ phải trở lại các cơ sở đào tạo để thực hiện các bài kiểm tra thông qua hệ thống bay mô phỏng, và họ sẽ được gia hạn bằng lái. Nếu không vượt qua bài kiểm tra, những người này sẽ phải học lại. Trong khi đó, các bài kiểm tra thể lực được thực hiện tối thiểu 12 tháng một lần.

Chi phí để đào tạo một phi công thông thường tại khu vực Bắc Mỹ khoảng 70.000 USD. Tại Việt Nam, chi phí đào tạo trong nước lên tới 2,5 tỷ đồng, được đài thọ bởi hãng bay và học viên. Sau khi học viên hoàn thành khóa học, chi phí mà hãng bỏ ra sẽ được trừ dần vào tiền lương cho đến khi hoàn trả đủ.

Tích lũy giờ bay tối thiểu là yêu cầu tiên quyết để có thể tìm được công việc tốt trong ngành này. Học viên phải thực hành ít nhất 4.000 giờ bay trước khi có cơ hội trở thành cơ trưởng. Ở Mỹ, một học viên mới tốt nghiệp và lái những loại máy bay thân hẹp có thể được trả 21 - 41 USD/giờ bay.

Với thâm niên từ một năm trở lên và làm việc với máy bay thân rộng, lương tối đa cho nghề này là 75 USD/giờ. Và nếu có kinh nghiệm 10 năm, mức lương có thể tới 235 USD/giờ.

Nguồn: PEA
Nguồn: PEA
 

Còn theo khảo sát từ các trang web thống kê lương phi công thế giới cho thấy, mức lương của phi công từ cấp cơ phó (thu nhập miễn thuế) của các nước trong khu vực Asean dao động từ 2.500 - 9.750 USD/tháng (khoảng 57 - 224 triệu đồng).

Một phi công thương mại tại Indonesia có mức khởi điểm dao động từ 2.500-4.000 USD/tháng không bị tính thuế.

Tại Ấn Độ, phi công của Indigo, hãng hàng không lớn nhất nước này, rơi vào khoảng 7.500 USD một tháng, tương đương khoảng 170 triệu đồng.

Còn tại Singapore, phi công lái các dòng máy bay như Boeing 777 hay Airbus A330 thường có mức lương khởi điểm khoảng 6.800 USD một tháng, khoảng 155 triệu đồng, sẽ tăng dần theo thời gian làm việc.

Tại Việt Nam, báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết, số lượng phi công tại hãng này đang là 499 người, với thu nhập lên tới 180 triệu đồng/người/tháng, tương đương 2,16 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn phi công Vietnam Airlines tới gần 49%.

Theo Cao Tuân – Vi Bình / giadinh.net.vn