Mái vòm Đại giáo đường Thánh Peter ở Vatican. AFP
Trong lịch sử, những triều đại giáo hoàng thông thường đều chấm dứt bằng các tang lễ, nhưng trường hợp của Giáo hoàng hưu trí Benedict XVI lại không như thế. Bởi ông là vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo đầu tiên thoái vị trong 6 thế kỷ qua. Chính vì lẽ đó, cuốn hồi ký của ông về những năm tháng trị vì là cơ hội độc nhất vô nhị để người ngoài có được những manh mối hiếm hoi về những chuyển động bên trong những bức tường của Vatican.
Nhóm vận động quyền thế
Ngày 11.2.2013, Giáo hội Công giáo chấn động khi Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố sẽ thoái vị vì không đủ sức mạnh về trí óc và thể xác để tiếp tục đảm đương cương vị.
Khi thế giới vẫn còn bỡ ngỡ với viễn cảnh có 2 vị giáo hoàng hiện diện cùng lúc, ông cho biết sẽ sống cuộc đời “ẩn dật” trong một tu viện kín ở Vatican. Kể từ đó, ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Lần xuất hiện mới nhất của vị giáo hoàng hưu trí là tại buổi lễ kỷ niệm 65 năm thụ phong chức linh mục của ông do Giáo hoàng Francis tổ chức tại Điện Tông tòa vào ngày 28.6.
Theo tờ The Daily Beast, trong lúc sống ẩn dật, Giáo hoàng hưu trí Benedict XVI đã dành nhiều thời gian làm việc với nhà báo người Đức Peter Seewald để hoàn thành cuốn hồi ký được trình bày dưới dạng các cuộc phỏng vấn dài. Cuốn hồi ký có tên Benedict XVI: The Last Conversations (tạm dịch: Giáo hoàng Benedict XVI: Những cuộc đàm luận cuối cùng) sẽ được xuất bản ở Đức và Ý vào ngày 9.9.
Ngày 1.7, nhật báo Corriere Della Sera cho biết họ đã có được quyền trích đăng cuốn sách và tiết lộ một số nội dung chính của nó. Thông tin chấn động nhất trong cuốn hồi ký này có lẽ là lời xác nhận của giáo hoàng hưu trí về một “nhóm vận động hành lang cho người đồng tính” bên trong Vatican.
Cụ thể, Giáo hoàng Benedict XVI tiết lộ ông có biết về sự hiện diện của một nhóm gồm 3 đến 4 nhân vật quyền thế luôn tìm cách khuynh đảo tiến trình ra quyết định của Vatican liên quan đến cộng đồng người đồng tính. Tuy nhiên, nhóm giáo sĩ cấp cao này chỉ hợp tác với nhau vì mục đích riêng của họ thay vì vận động cho quyền lợi của những tín hữu là người đồng tính. Giáo hoàng Benedict XVI cũng cho biết ông đã cố gắng triệt phá nhóm giáo sĩ quyền thế nói trên khi còn tại vị.
Sự hiện diện của một nhóm giáo sĩ đồng tính bên trong Vatican không phải là điều mới mẻ và từng được báo chí Ý bàn tán nhiều, đặc biệt sau khi Giáo hoàng Benedict XVI bất ngờ thoái vị. Nhóm người này bị nghi ngờ hợp tác để bảo vệ quyền lực và thúc đẩy con đường thăng tiến của nhau.
Bản thân Giáo hoàng Francis sau khi đăng quang vào tháng 3.2013 cũng từng bóng gió về điều đó. Tuy nhiên, cuốn hồi ký nói trên là lần đầu tiên một giáo hoàng chính thức thừa nhận về sự hiện diện của thế lực “đen” trong Giáo triều Roma.
Cuộc sống của một giáo hoàng
Theo tờ Corriere Della Sera, trong hồi ký của mình, Giáo hoàng Benedict XVI cũng tiết lộ ông từng gặp phải nhiều khó khăn khi đương đầu với “sự suy đồi hiện diện bên trong giáo hội” và có nhiều người cố gắng cản trở những nỗ lực cải cách của ông. Tuy nhiên, ông phủ nhận tin đồn dai dẳng rằng ông bị đe dọa và ép buộc phải thoái vị.
Theo Reuters, Giáo hoàng Benedict XVI ra đi giữa lúc Vatican bị bủa vây bởi vụ bê bối “Vatileaks”, trong đó người quản gia của giáo hoàng đã tiết lộ các thư tín cá nhân của ông cùng nhiều tài liệu khác nói về vấn nạn tham nhũng và đấu đá quyền lực bên trong tòa thánh. Truyền thông Ý vào lúc đó cho rằng những người đứng sau vụ rò rỉ này là một nhóm giáo sĩ muốn bôi nhọ uy tín giáo hoàng và ép ông phải thoái vị.
Thế nhưng, Giáo hoàng Benedict XVI khẳng định ông đưa ra quyết định một cách hoàn toàn “tự do”. Mặc dù khẳng định lý do là cảm thấy kiệt sức, nhưng giáo hoàng cũng thừa nhận ông không phải là một nhà quản lý giỏi và “thiếu kiên quyết trong việc điều hành”.
Ý định thoái vị chỉ được ông tiết lộ cho vài người thân cận vì lo sợ bị rò rỉ. Khi đó, quyết định trọng đại này được ông thông báo bằng tiếng Latin vì sợ sẽ phạm phải lỗi ngữ pháp nếu nói bằng tiếng Ý, bất chấp việc ông đã sống ở Roma trong hơn 3 thập niên trước đó.
Ngoài ra, Giáo hoàng Benedict XVI cũng kể về sự bất ngờ của ông khi được bầu làm “chủ chăn” của 1,2 tỉ tín đồ Công giáo vào năm 2005. Theo đó, ông cảm thấy choáng váng khi phát hiện ra rằng một nhóm hồng y cấp cao đã bí mật thương nghị để chọn ông trước cả khi họ tiến hành bỏ phiếu chính thức trong Mật nghị Hồng y diễn ra bên trong nhà nguyện Sistine.
Về cuộc bầu chọn giáo hoàng kế tiếp vào năm 2013, giáo hoàng hưu trí nói ông cảm thấy ngạc nhiên khi chứng kiến làn khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine, báo hiệu triều đại của một giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên. Trước đó, trong đầu ông đã nghĩ đến “vài cái tên” nhưng “không phải là ông ấy”, tức Hồng y người Argentina Jose Mario Bergoglio, hiện là Giáo hoàng Francis,theo Corriere Della Sera.
Vị giáo hoàng người Đức cũng tiết lộ ông có một cuốn nhật ký ghi chép lại thời kỳ trị vì ở Vatican, nhưng sẽ tiêu hủy nó dù rằng ông thừa biết đó sẽ là một tài sản vô giá để các nhà sử học nghiên cứu về cuộc sống của một giáo hoàng.
Quan hệ của hai giáo hoàng Những tiết lộ về cuốn hồi ký của vị giáo hoàng 89 tuổi xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Giáo hoàng Francis lên tiếng bác bỏ các tin đồn rằng người tiền nhiệm của mình vẫn còn giữ lại tầm ảnh hưởng nhất định ở Vatican. Theo Reuters, trên chuyến bay trở về Vatican sau chuyến thăm Armenia vào tuần trước, các phóng viên đã đề nghị Giáo hoàng Francis bình luận về những bài báo cho rằng Giáo hoàng Benedict XVI hiện có vai trò như một giáo hoàng song song. Đáp lại, Giáo hoàng Francis nói: “Chỉ có một giáo hoàng”, đồng thời ca ngợi người tiền nhiệm vì đã “bảo hộ, che chở cho tôi, thông qua những lời cầu nguyện của mình”. Ông cũng cho biết ông từng nghe kể rằng mỗi khi có các giáo sĩ của Vatican đến thăm và phàn nàn Giáo hoàng Francis quá cấp tiến, Giáo hoàng Benedict XVI đều yêu cầu họ “về ngay”. |
Quan điểm về hôn nhân đồng tính Trong thời kỳ của mình, Giáo hoàng Benedict XVI đã lên án hôn nhân đồng tính, chỉ trích điều này đi ngược lại với tự nhiên. Tuy nhiên, người kế vị ông là Giáo hoàng Francis có quan điểm tương đối nhẹ nhàng hơn, mặc dù giáo lý của Giáo hội Công giáo vẫn chống lại hôn nhân đồng tính. Ông từng chỉ trích “sự phân biệt đối xử bất công” đối với người đồng tính và khi được hỏi về vấn đề này, ông đã nói: “Tôi là ai mà phán xét họ”. |