Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Hỏi lá hỏi hoa”: Rộn ràng giai điệu cảm xúc của thế giới trẻ thơ

Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV, NXB Kim Đồng vừa ra mắt ấn bản mới tập thơ thiếu nhi “Hỏi lá hỏi hoa” của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Đầy là tập thơ nằm trong phiên bản mới của bộ “Thơ với tuổi thơ” – tuyển chọn những tập thơ hay nhất viết cho thiếu nhi.

 

Phiên bản mới của bộ “Thơ với tuổi thơ” – tuyển chọn những tập thơ hay nhất viết cho thiếu nhi như: “Ai dậy sớm” của Võ Quảng, “Những bài thơ nho nhỏ” - Phạm Hổ, “Bầu trời trong quả trứng” - Xuân Quỳnh, “Bài ca trái đất” - Định Hải, “Góc sân và khoảng trời” - Trần Đăng Khoa, “Quả địa cầu” - Hoàng Hiếu Nhân, “Con muốn mặc áo đỏ đi chơi” - Phan Thị Thanh Nhàn và “Hỏi lá hỏi hoa” - Cao Xuân Sơn…

Là người nhiều năm tâm huyết gắn bó với văn học thiếu nhi, dường như nhà thơ Cao Xuân Sơn vẫn luôn mang trong mình một tâm hồn trẻ thơ thích “ngửa mặt lên đếm sao trời” như anh từng quả quyết “Tôi cam đoan là luôn có hai dạng người thích ngửa mặt lên đếm sao trời, ấy là trẻ em và các nhà thơ.” Tập thơ “Hỏi lá hỏi hoa” tuyển chọn 22 bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi của nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhiều bài trong đó được trẻ em thuộc nằm lòng như “Hỏi lá hỏi hoa”, “Ru mưa”, “Mùa xuân của nghé con”, “Mồ hôi của biển”, “Mở sách ra là thấy”, “Hội diều”, “Con chuồn chuồn đẹp nhất”, “Thời gian”… Có thể nói, mỗi bài thơ trong “Hỏi lá hỏi hoa” là một giai điệu đầy cảm xúc về thế giới bao la của tình yêu thương con người, thiên nhiên, vạn vật.

Là người yêu thiên nhiên, cỏ cây hoa lá nên trong thơ Cao Xuân Sơn những hình ảnh gắn với thiên nhiên như “mùa thu mát rượi”, “mùa xuân nắng ấm”, “mùa xuân bày tiệc cỏ non”, “nắng là áo lụa dài buông của trời”, “biển lên với trời”, “đá ngồi cho sóng đấm lưng”, “trăng non như một con diều vút lên”, “diều với chạm từng mây cao”… xuất hiện nhiều lần với những liên tưởng mới lạ, thú vị.  Cao Xuân Sơn có tài quan sát tỉ mẩn, với một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, anh phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn chìm trong cái ồn ào của phố thị, không phải ai cũng nhận ra. Đó là “Tiếng ve đêm” – một “bài ca riêng mùa hè” “giữa phố đông, nhà chật”; vẻ đẹp của “con chuồn chuồn đẹp nhất” trong vô vàn con “Chuồn Ngô, chuồn Ớt, chuồn Kim…” mỗi con một hình một vẻ ngoài kia.

Phải là người thấu tâm lý trẻ thơ đến nhường nào, Cao Xuân Sơn mới có thể hóa thân vào lũ trẻ với những thắc mắc, mong ước rất hồn nhiên như “Sao không nhiều Tết hơn”, “Xà bông có răng đâu/ Mà ăn tay hả bố?”… Tâm hồn trẻ thơ vốn nhạy cảm với tất cả những gì tai nghe mắt thấy, nên trong “Hỏi lá hỏi hoa”, nhiều bài thơ dành tình cảm đặc biệt cho những người thân yêu: “À ơi, thương mẹ, mưa ngoan/Mồ hôi áo mẹ biết làm sao khô?”; có khi cho một “Thằng nhóc phố tôi” không quen biết, hay cho cả chú mèo bị nằm trong “chiếc lồng bẫy chuột”.

Âm hưởng của thơ ca dân gian đặc biệt sâu đậm trong thơ của Cao Xuân Sơn. Rất nhiều bài thơ được làm theo thể thơ lục bát truyền thống và có tiết tấu, vần điệu của những bài ca dao, đồng dao trẻ em được à ơi, thuộc lòng từ thơ bé: “Thời gian trong suốt giọt mưa/ Sông dài biển rộng đón đưa vơi đầy”, “Không học hành, thi cử/ Sao hoa là Trạng Nguyên?/ Chẳng là trăm là nghìn/ Hoa Đồng Tiền ai đặt?”. Trong thơ Cao Xuân Sơn, ngoài những vần thơ tươi vui đầy màu sắc, ta còn bắt gặp những nốt trầm của suy tưởng, triết lý như: “Hạt gạo người nhớ/ Muối, người hay quên”, “Nhưng chỉ thấy một con chuồn chuồn đẹp nhất/ Chính là con chuồn chưa một lần bị bắt/ Con chuồn chuồn… đang bay”.

Nói về “Hoa lá hỏi hoa” Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn nhận định: “Tôi đoán rằng hầu hết những bài đạt nhất được Cao Xuân Sơn viết liên tục, trong trạng thái hưng phấn nhất, cái trạng thái đúng là trời cho nhưng người làm thơ phải ý thức được và bắt lấy nó, không để trôi đi mất. Cái tâm thế (hay cảm hứng) thường trực, nỗi lòng “canh cánh” với thơ là phẩm chất đầu tiên của “tính chuyên nghiệp”. Sau đó mới nói đến cấu tứ, vần điệu, câu chữ. Về mặt này, Cao Xuân Sơn là một người viết vững tay nghề. Ấn tượng trội nhất là sự hóm hỉnh, tinh nghịch. Nói hồn thơ Cao Xuân Sơn nhiều nam tính, gợi nhớ một chú bé hiếu động là vì thế”. Còn nhà thơ Định Hải lại cho rằng: “Rõ ràng vẫn còn đó thơ hay cho thiếu nhi, chắc chắn là thơ không thể thiếu vắng trong tâm hồn trẻ em và trong lòng mọi người. Cảm ơn nhà thơ Cao Xuân Sơn đã cho tôi niềm tin vào thơ cho thiếu nhi, thực sự anh đã ‘vực’ tôi dậy sau mấy chục năm nản lòng buông bút”.

Cũng trong dịp này, NXB Kim Đồng cũng giới thiệu với độc giả một loạt ấn phẩm đặc biệt được đầu tư về hình thức, mỹ thuật. Đó là tập artbook “5 Mùa” – một thi phẩm thăng hoa giữa thơ và họa; “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa” – tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong suốt hơn nửa thế kỉ sáng tạo; tuyển tập “Thơ hay cho bé mầm non”, tuyển thơ song ngữ “Cây cối quê hương” “Hoa thơm trái ngọt”; bộ truyện cổ bằng thơ của Thái Bá Tân gồm 3 cuốn “Cổ tích Việt Nam bằng thơ”, “Cổ tích thế giới bằng thơ”, “Ngụ ngôn Ê-dốp bằng thơ” và đặc biệt là bộ thơ ca dân gian được trình bày với hình thức đẹp: “Đồng dao cho bé”, “Câu đố dân gian bằng tranh”, “Ca dao tục ngữ bằng tranh”. Qua những ấn phẩm này, độc giả không chỉ được ngâm nga những bài thơ, vần thơ kinh điển mà còn được thưởng thức những tác phẩm hội họa giàu mỹ cảm.