Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị.


Đây là hội nghị cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm qua của ASEAN. Hội nghị là dịp để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi, thảo luận các biện pháp xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường tương trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung triển khai các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020, nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay, trong đó có dịch COVID-19.


Nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm sẽ là Hội nghị nội bộ của các lãnh đạo ASEAN rà soát công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35, cho ý kiến chỉ đạo về hướng triển khai các trọng tâm ưu tiên của năm, hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN trong thời gian tới trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, một trọng tâm được các nhà lãnh đạo tập trung trao đổi là hợp tác ứng phó dịch bệnh và tăng cường khả năng phục hồi.

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra nhiều phiên quan trọng, gồm: Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, phiên họp đặc biệt của lãnh đạo ASEAN về nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số, cuộc gặp giữa các lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Liên nghị viện ASEAN. Đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN với thanh niên ASEAN, đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và họp báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Về văn kiện của Hội nghị, theo chương trình, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tuyên bố Tầm nhìn về ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay.


Nghi thức chào cờ ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.



“Gắn kết và Chủ động thích ứng”

“Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của ASEAN 2020. Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trải qua 5 năm hình thành Cộng đồng, ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa chiến lược toàn cầu cũng như tác động của dịch COVID-19. Trong hoàn cảnh này, bản lĩnh của Cộng đồng ASEAN được thể hiện rõ nét, gắn kết chặt chẽ các thành viên tạo nên sức mạnh tổng hợp để tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vững vàng vượt qua thử thách.
“Hiện nay, chúng ta đang gánh trên vai trọng trách phải tự tin, hợp tác cùng nhau vững tay chèo lái con tàu ASEAN vượt qua những khó khăn, thử thách chưa từng có trong chống đại dịch COVID-19, thể hiện bản lĩnh và sức sống vững bền của Cộng đồng ASEAN, tiến bước trên con đường phát triển”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu có dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn thể ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một khối ASEAN đoàn kết và gắn bó, đầy tình tương thân, tương ái.

Thủ tướng nêu rõ, trọng trách nặng nề trên vai Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và cá nhân các nhà lãnh đạo trong thời gian nửa năm 2020 còn lại là phải đưa ASEAN vượt qua giai đoạn cam go đầy khó khăn này, minh chứng cho giá trị và sức sống vững bền của một Cộng đồng tự cường và năng động. “Tôi trông đợi Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên các khó khăn thách thức, vững vàng đi tới”. Một mặt, cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, mặt khác, cần sớm khắc phục hậu quả của dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế, đồng thời, cần nỗ lực hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020.

Thủ tướng cho rằng, các nỗ lực tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững của ASEAN những năm qua sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2020. Các sáng kiến “Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN”, “Kết nối các kết nối” cần được tiếp tục triển khai hiệu quả, sâu rộng. Bên cạnh đó, cần quan tâm thích đáng đến việc gắn kết chặt chẽ các tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể của ASEAN, trong đó có tiểu vùng Mekong về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.

Là cộng đồng rộng mở, một đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN sẽ không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các đối tác. ASEAN đẩy mạnh gắn kết với Liên Hợp Quốc trong năm 2020, khi cả Indonesia và Việt Nam cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tích cực đóng góp cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và phát triển của Liên Hợp Quốc. “Chúng ta cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”, Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đề cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, chúng ta không ngừng cải tiến, hoàn thiện các cơ chế đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin, củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ. Đồng thời, ASEAN tiếp tục thúc đẩy và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, định hình quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực theo Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.

Thủ tướng cho rằng, mẫu số lợi ích chung gắn kết các quốc gia thành viên ASEAN hơn 5 thập kỷ qua càng được nhân lên trong bối cảnh khó khăn, thử thách. Dịch bệnh COVID-19 là phép thử để ASEAN càng khẳng định bản lĩnh của một Cộng đồng ngày càng trưởng thành.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 lần này, các nhà lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện khác.

Tại phiên họp Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số chiều 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta cần hành động để giải phóng tiềm năng to lớn của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho các tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN… Đây cũng là lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề này được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN.

BKV (tổng hợp) Ảnh: VGP/Quang Hiếu/GĐTE