Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14: Các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình Biển Đông

(Dân sinh) - Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14 diễn ra chiều nay 4/11 tại Thái Lan, các nước đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình Biển Đông. Đa số các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Chiều ngày 04/11/2019 tại Thái Lan, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, các nước đã tổ chức họp Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14.

Các nước đánh giá EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về an ninh, chiến lược ở khu vực; đánh giá tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động nhanh chóng, thuận lợi thách thức đan xen.

Đa số các nước cho rằng EAS, với một nửa dân số thế giới phải được củng cố và phát huy, thực sự trở thành diễn đàn của các lãnh đạo, trao đổi các nội dung chiến lược, liên quan tới hòa bình, ổn định khu vực.

Các nước hài lòng với việc triển khai Kế hoạch Hành động Manila 2018- 2020, thông qua Tuyên bố về chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững.

Hội nghị đánh giá ý nghĩa Tài liệu Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện tầm nhìn, nguyên tắc và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN trong hợp tác với các đối tác. Các đối tác bày tỏ mong sớm thấy các hoạt động hợp tác cụ thể thời gian tới.

Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14: Các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình Biển Đông - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14

Tại Hội nghị, các nước đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình Biển Đông. Đa số các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS, diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại và hợp tác vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu ủng hộ EAS đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy hình thành các chuẩn mực ứng xử và khuôn khổ quan hệ dựa trên luật lệ giữa các quốc gia trong khu vực.

Thủ tướng nêu rõ tình hình Biển Đông chưa thật sự bền vững vẫn còn những sự việc gây quan ngại, đi ngược lại luật pháp quốc tế, có thể ảnh hưởng hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không.

Thủ tướng đề nghị các nước đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế vì Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14: Các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình Biển Đông - Ảnh 2.

Trong dịp này, Thủ tướng đã có cuộc gặp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Trước đó, sáng cùng ngày (4/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại Hội nghị, các Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng, sự năng động và tính trụ cột của hợp tác ASEAN+3 với hoà bình, an ninh, và thịnh vượng của khu vực dựa trên các nguyên tắc tin cậy, tôn trọng và chia sẻ lợi ích chung.

Cũng trong sáng 4/11, tại Bangkok, Thái Lan trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần 7.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hoa Kỳ là một trong những đối tác lâu đời nhất của ASEAN. Thủ tướng hoan nghênh những cam kết của Hoa Kỳ với ASEAN, mong muốn Hoa Kỳ thể hiện trách nhiệm, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN tiếp theo, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy để quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển vì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 tại Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí năm 2020 sẽ là dịp đưa quan hệ Việt Nam-New Zealand và quan hệ ASEAN-New Zealand lên một tầm cao mới. Hai bên cần tập trung xây dựng nội hàm cho các khuôn khổ quan hệ mới.

Về các vấn đề đa phương và khu vực, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong trong các khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, CPTPP, Tiểu vùng Mekong và các cơ chế khác; chia sẻ quan điểm nhấn mạnh cần bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, giải quyết các khác biệt bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982.