Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hội nghị Mạng lưới Châu Á về Vệ sinh nghề nghiệp: Nhiều hoạt động hợp tác về ATVSLĐ

Tại Hà Nội vừa diễn ra Hội nghị Mạng lưới Châu Á về Vệ sinh nghề nghiệp. Tham dự Hội nghị có ông Park Doo Yong, Chủ tịch Mạng lưới Châu Á về Vệ sinh nghề nghiệp; ông Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cùng các đại biểu trong và ngoài nước.

Trong hơn một thập niên đầu thế kỷ 21, nhiều vụ tai nạn trong lao động đã xảy ra, nhiều người lao động đã và đang phải tiếp xúc với những nguy cơ bệnh nghề nghiệp, nhiễm độc tại nơi làm việc. Các vụ tai nạn ở tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội, tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), và mới đây nhất là vụ nổ, nhiễm độc hóa chất ở Thiên Tân (Trung Quốc). Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm giá thành sản phẩm để phát triển thương mại, tạo việc làm trong môi trường cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... những thách thức đó đan xen với nhau, gây nên những hệ quả khôn lường về kinh tế, xã hội..., đòi hỏi phải tăng cường hợp tác  mạnh mẽ giữa các quốc gia, khu vực.

Hội nghị Khoa học Mạng lưới vệ sinh nghề nghiệp Châu Á được tổ chức, với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý về ATVSLĐ, vệ sinh nghề nghiệp của khu vực Châu Á  là nơi các nhà khoa học trong khu vực chia sẻ những kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm nghiên cứu, quản lý và kiểm soát môi trường làm việc đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu ngày càng cao trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động trong khu vực; qua đó cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên,  nghiên cứu viên và người làm công tác ATVSLĐ.

Các đại biểu tham dự hội nghị Mạng lưới châu Á về Vệ sinh nghề nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Tất Thắng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống  pháp luật và hạ tầng, trong đó triển khai mạnh mẽ về các khâu thực thi cải cách hành chính, bảo hiểm xã hội, cấp phép lao động nước ngoài, ATVSLĐ, phấn đấu đạt các chỉ tiêu môi trường kinh doanh ngang với các nước ASEAN 6, ASEAN 4,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng cam kết hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp nước ngoài về vấn đề nguồn lao động, đào tạo nghề, huấn luyện ATVSLĐ, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ điện tử, công nghệ cao trong thời gian tới.

Ứng phó với các thách thức ATVSLĐ luôn là vấn đề then chốt trong các chính sách an sinh xã hội và trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng an toàn và trong hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác. Những nỗ lực đó đã được hiện thực hóa và triển khai mạnh mẽ qua các chương trình, thỏa thuận. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về ATVSLĐ trong khuôn khổ các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, các dự án hợp tác chính phủ và các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa các bộ, ngành, địa phương với các cơ quan ATVSLĐ, cơ quan nghiên cứu, trường đại học của một số quốc gia và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Sự hỗ trợ có hiệu quả đó là việc nâng cao năng lực cho cán bộ ATVSLĐ Việt Nam thông qua các khóa huấn luyện, hội nghị, hội thảo về ATVSLĐ hàng năm tại các quốc gia; đào tạo, huấn luyện nhiều cán bộ, giảng viên ATVSLĐ cho Việt Nam; cử chuyên gia tư vấn và giảng viên có kinh nghiệm ATVSLĐ  sang Việt Nam tư vấn xây dựng chính sách, huấn luyện ATVSLĐ và nghiên cứu chuyên đề ATVSLĐ cũng như hỗ trợ trang thiết bị ATVSLĐ cho các cơ quan, đơn vị của Việt Nam.

Trước đó, ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật ATVSLĐ và Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.  Luật ATVSLĐ có 7 chương, với 94 Điều. Các nội dung trong Luật ATVSLĐ được thiết kế với 3 nhóm chính sách: Chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm: Chính sách thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, huấn luyện ATVSLĐ; chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Chính sách giảm thiểu rủi ro bao gồm: Khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để có biện pháp khắc phục sự cố về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ người sử dụng lao động và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động bao gồm: Thông tin, tuyên truyền, tư vấn về ATVSLĐ; chính sách hỗ trợ để huấn luyện ATVSLĐ khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; trách nhiệm khai báo tai nạn lao động; khuyến khích tham gia chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện.